Hiệu quả từ cánh đồng kỹ thuật ở Nông Sơn
Ngoài hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng lúa cải tiến (SRI), mô hình sản xuất và bón phân hữu cơ vi sinh cho cây lúa… ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn còn chủ động triển khai mô hình cánh đồng kỹ thuật áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và công cụ sạ hàng nhằm hướng tới tăng giá trị, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích.
Gần đây, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Tại một số địa phương, thông qua các mô hình, người dân dần tiếp cận với kỹ thuật trồng lúa cải tiến (SRI), kỹ thuật sản xuất và bón phân hữu cơ cho cây lúa, kỹ thuật trồng lúa thâm canh “3 giảm, 3 tăng” kết hợp công cụ sạ hàng trên một số cánh đồng nhằm giảm lượng giống đầu tư ban đầu, nâng sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích. Triển khai qua nhiều mùa vụ giai đoạn 2013-2014, mô hình cánh đồng kỹ thuật do Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện triển khai đã đem lại hiệu quả trong thực tế. Giai đoạn 2013-2014, mô hình triển khai tại các cánh đồng xã Quế Lộc, Sơn Viên trên tổng diện tích 15ha. Tham gia mô hình, mỗi nông dân tại hai xã được hỗ trợ giống Thiên ưu 8 và chi phí phân bón cho lúa. Qua đánh giá sau thu hoạch, các mô hình cánh đồng kỹ thuật đều cho năng suất tăng 6 - 7 tạ/ha so với đối chứng là các ruộng sản xuất đại trà. Tiếp nối thành quả này, vụ hè thu 2015, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện tiếp tục hỗ trợ triển khai mô hình trên cánh đồng Rộc Cửu, Cửa Trại, Hàng Tra (thôn Trung Viên, xã Quế Trung) trên tổng diện tích 6,5ha, với 48 hộ tham gia.
Một mô hình trình diễn ở thôn Trung Viên, xã Quế Trung. Ảnh: Nhan Hà |
Theo đó, các hộ tham gia mô hình đã gieo sạ giống lúa Thiên ưu 8 trên cánh đồng kỹ thuật, vốn là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể sản xuất phù hợp ở cả hai vụ. Nhờ được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng, nông dân tham gia sản xuất đã tiết giảm đáng kể nguồn giống đầu tư ban đầu so với đối chứng. Trên thực tế, cây lúa vụ hè thu giống Thiên ưu 8 có thời gian sinh trưởng trung ngày, cấp thấp, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, khả năng chống chịu đỗ ngã khá tốt. Cây lúa trong mô hình trình diễn cho năng suất bình quân đạt 63,7 tạ/ha, cao hơn chân ruộng đối chứng là 10,7 tạ/ha. Theo tính toán của bà con nông dân, sau khi trừ chi phí sản xuất, bà con tham gia mô hình thu lãi được gần 38,5 triệu đồng, tức tương đương hơn 1,9 triệu đồng/sào so với mô hình đối chứng. Ông Nguyễn Năm (thôn Trung Viên, xã Quế Trung) cho biết: “Vụ này, gia đình tôi sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng kỹ thuật trên tổng diện tích 0,3ha. Đến nay, thu hoạch thấy có hiệu quả hơn hẳn các vụ lúa trước đây, mỗi sào lúa tính ra tiết kiệm được gần 300.000 đồng so với sản xuất trên cùng chân ruộng”. Trong khi đó, ông Trương Nhất Thống (trú cùng thôn) chia sẻ: “Điều quan trọng là trong quá trình tham gia, chúng tôi đã học hỏi được kỹ thuật sản xuất thâm canh, công tác phòng trừ sâu bệnh, được cán bộ hướng dẫn gieo sạ bằng công cụ sạ hàng đúng kỹ thuật. Mặc dù chi phí có cao hơn trước, song nhờ năng suất cao hơn nên mỗi sào lúa thu hoạch, gia đình tôi lãi gần 2 triệu đồng”.
Ông Trần Văn Lưu - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn cho biết: “Mô hình cánh đồng kỹ thuật đã từng bước giúp nông dân huyện nhà tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập, đóng góp vào thành quả nông thôn mới. Tham gia mô hình, người dân còn nhận thức được việc sử dụng thuốc hóa học đến các đối tượng thiên địch và ô nhiễm môi trường sinh thái; ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Để mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình, những vụ mùa tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ giống nguyên chủng để bà con nông dân tiếp tục nhân rộng” - ông Lưu chia sẻ. Cũng theo ông Lưu, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai cánh đồng kỹ thuật ở Nông Sơn vẫn gặp khó do diện tích đất trồng lúa còn manh mún, nhiều cánh đồng chưa chủ động được nước tưới, nguồn khuyến nông còn hạn hẹp, tâm lý ngại tiếp thu cái mới ở người dân… Để tạo thuận lợi cho việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng, khâu quy hoạch, dồn điền đổi thửa trên các cánh đồng hết sức quan trọng. Đến nay, huyện chỉ mới hướng tới dồn điền đổi thửa, quy hoạch trên 8,2ha ở Sơn Viên, tạo thuận lợi cho việc triển khai cánh đồng kỹ thuật. Những mô hình cánh đồng kỹ thuật này sẽ là hạt nhân mô hình cánh đồng mẫu trong tương lai…
TRIÊU NHAN - HUY HÀ