Phát triển nông nghiệp năm 2015: Nâng cao giá trị sản xuất
Xây dựng nông thôn mới (NTM) và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 2 nội dung xuyên suốt tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác nông nghiệp năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 được Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua.
Bước chuyển NTM
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt được nhiều thành quả trong năm 2014. Đến nay, trên toàn quốc đã có 97% số xã phê duyệt quy hoạch NTM, hơn 9 nghìn mô hình sản xuất đã được ứng dụng trong thực tiễn. Hiện tại, bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí NTM (tăng 2,13 tiêu chí so với năm 2013). Đến thời điểm này đã có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, cả nước có 84% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Thực tế quá trình xây dựng NTM đã cho thấy có rất nhiều mô hình hiệu quả, người dân ngày càng khẳng định tính chủ thể của mình. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sinh động”. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để có được các kết quả đó, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có nhiều sáng kiến khi bắt tay thực hiện. Đó là tập trung đầu tư các nguồn lực cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Nhiều tỉnh đã xây dựng được một chương trình hành động cụ thể, vừa phù hợp với các chủ trương chung vừa sát hợp với các điều kiện đặc thù của địa phương để thống nhất thực hiện. Từ các nguồn lực đầu tư, các địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ cho người dân. Nhiều tỉnh đã linh hoạt có cơ chế riêng để chuyển đổi các diện tích trồng lúa đạt hiệu quả thấp sang trồng các đối tượng có giá trị xuất khẩu cao như cam, xoài, thanh long, chè, hồ tiêu, cà phê.
Ứng dụng công cụ sạ hàng trong sản xuất. Ảnh: Q.VIỆT |
Đồng hành với cả nước trong quá trình xây dựng NTM, Quảng Nam cũng đã gặt hái được nhiều thành tựu trong năm 2014. Đến thời điểm này, các tiêu chí đạt chuẩn ở các xã NTM trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Bình quân các tiêu chí đạt được của 205 xã là 7,57 tiêu chí/xã, tăng 2,88 tiêu chí/xã so với năm 2010, tăng 1,24 tiêu chí so với năm 2013. Quảng Nam đã có 10 xã đạt tiêu chí NTM, gồm các xã Tam Phước, Tam An, Tam Thành (Phú Ninh), Bình Tú (Thăng Bình), Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (Điện Bàn), Đại Hiệp (Đại Lộc), Hương An (Quế Sơn) và A Nông (Tây Giang). Xây dựng NTM đã tạo nên nhiều chuyển biến.
Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Huỳnh Tấn Đức cho biết thêm, đến thời điểm này, Quảng Nam đã có hơn 200 mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả cao, trong đó, các mô hình dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất nông sản hàng hóa, mở rộng diện tích xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật đã được nhân rộng. Theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là tiền đề để tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó những vùng sản xuất chuyên canh tập trung được hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, năm 2014, cơ cấu các ngành sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương cũng như cả nước. Thị trường nông nghiệp được khơi thông, nhất là tôm, hồ tiêu, cà phê, gạo, trái cây. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày một mở rộng, liên kết sản xuất theo chuỗi được nâng cao. Cùng với đó, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Năm 2014, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tái cơ cấu được tập trung triển khai đã tạo nên nhiều hiệu quả tích cực. Sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao. Cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp được đầu tư ngày càng mạnh mẽ. Bởi vậy, đời sống của các cư dân nông thôn ngày càng được nâng cao, góp phần lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Tăng trưởng của ngành được cải thiện nhưng ở mức không cao. Chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp, thị trường nông sản tiếp tục gặp khó khăn.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương cần có các giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ngày một rõ ràng hơn. Để chuyển biến mọi mặt trong nông nghiệp rất cần mạnh dạn ứng dụng các thành tựu về khoa học - công nghệ làm đòn bẩy phát triển. Chuỗi liên kết trong sản xuất cần được chú trọng hơn. An toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cần được đầu tư mạnh mẽ. Có vậy mới nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để phát triển nông nghiệp thì rất cần tổ chức lại sản xuất. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp đầu tư cũng như nâng cao hoạt động của các hợp tác xã. “Đào tạo nhân lực có vai trò rất quan trọng để chúng ta tiếp cận trình độ khoa học, công nghệ cao cấp của thế giới và vận dụng vào Việt Nam, phát triển nông nghiệp” - ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng phát triển thủy lợi và các cơ sở hạ tầng chuyên ngành. Sản xuất nông nghiệp sẽ được chuyển giao nhiều hơn nữa các thành tựu khoa học - kỹ thuật, đổi mới tổ chức sản xuất, hội nhập quốc tế. Cùng với đó là phát huy hiệu quả quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cải cách hành chính để thu hút doanh nghiệp”.
VĂN SỰ - QUANG VIỆT