Chuyển đất lúa: Hướng nào bền vững?

NGUYỄN SỰ 16/06/2014 08:23

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, những năm gần đây ngành chức năng tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đất lúa sang canh tác một số loại cây trồng cạn chủ lực, nhất là những chân ruộng bấp bênh nước tưới. Dù đã đạt được nhiều thành công nhưng ở không ít nơi vẫn còn gặp phải hàng loạt khó khăn…  

Nhiều khó khăn

Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, toàn huyện có 918ha đất lúa không chủ động tưới. Vụ hè thu, phần lớn diện tích này phải bỏ hoang do không có nước đổ ải gieo sạ. Ông Châu nói: “Những năm qua, dù ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã nỗ lực vận động nhưng đến nay nông dân mới chỉ chuyển được 60% trong số 918ha đất lúa vừa nêu sang sản xuất cây trồng cạn, còn lại 40% đành để ruộng hoang vì khô hạn quá khốc liệt, nếu gieo tỉa thì cây đậu, bắp, mè… cũng không thể sống nổi”. Ngoài Quế Sơn, người dân ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh cũng chẳng mặn mà với chuyện chuyển 5.000 - 6.000ha đất lúa nước trời sang gieo trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày vì nếu nắng hạn kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8 thì khó có thể trồng được cây gì.

Canh tác các loại rau quả trên đất lúa, mỗi năm nông dân Duy Xuyên thu về 120 - 150 triệu đồng/ha.Ảnh: Nguyễn Sự
Canh tác các loại rau quả trên đất lúa, mỗi năm nông dân Duy Xuyên thu về 120 - 150 triệu đồng/ha.Ảnh: Nguyễn Sự

Thời gian qua, việc chuyển đất lúa hoàn toàn không có nước tưới và bấp bênh nước tưới sang cây trồng cạn cũng gặp hàng loạt trở ngại. Cụ thể, đất ở những vùng trung du thường có địa hình bậc thang, lô thửa manh mún nên không thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cạnh đó, nhiều diện tích dễ bị ngập úng khi có mưa lớn, rồi đất có tầng canh tác mỏng và dạng đất sét nên rất khó thành công. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc sản xuất cây trồng cạn, nhất là nhóm rau quả thực phẩm dù cho lợi nhuận cao hơn hẳn lúa nhưng đã và đang gặp phải những khó khăn lớn. Việc chuyển đổi giống cây trồng buộc nông dân phải có tập quán, kỹ thuật trồng bài bản và đòi hỏi nhiều công lao động hơn lúa. Trong khi đó, gần đây lao động nông thôn đã chuyển mạnh sang khu vực phi nông nghiệp vì có thu nhập khá nên lao động nông nghiệp thiếu hụt dẫn đến chi phí thuê mướn tăng cao. Còn nữa, những năm qua chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là rau quả thực phẩm giá bán biến động thường xuyên. Ngoài ra, việc đầu tư cho khâu nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển cây trồng cạn hiệu quả, bền vững… chưa được chú trọng so với lúa.

Cần chuyển những chân đất lúa bấp bênh nước tưới sang luân canh và xen canh cây công nghiệp ngắn ngày.
Cần chuyển những chân đất lúa bấp bênh nước tưới sang luân canh và xen canh cây công nghiệp ngắn ngày.

Mới đây, trong hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Quảng Nam, không ít đại biểu cho rằng ở nhiều nơi việc thực hiện công tác này diễn ra rất tự phát, chưa định hình được mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ nên liên tục xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm. Cạnh đó, khả năng ngân sách của các địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách đầu tư khuyến khích người trồng lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong khi đó, đầu ra của nông sản không ổn định, lệ thuộc vào mùa vụ, thương lái, không có gì đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu khiến nông dân chưa thực sự yên tâm sản xuất…

Tạo cú hích bằng cách nào?

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2013 nông dân toàn tỉnh đã chuyển 2.326ha đất lúa sang canh tác cây trồng cạn. Ở vùng đất lúa gieo không có nước tưới chủ yếu áp dụng phương thức luân canh là lúa đông xuân - sắn (hoặc đậu phụng, mè) hè thu. Còn tại những nơi có đất lúa chủ động nước tưới và đủ nguồn lao động thì luân canh theo cách đậu phụng (hoặc bắp) đông xuân - lúa (hoặc bắp) hè thu, lúa đông xuân - dưa hấu xuân hè - lúa hè thu, dưa hấu đông xuân - dưa hấu xuân hè - lúa hè thu, lúa đông xuân - bắp (hoặc đậu phụng) hè thu. Ông Muộn nói: “Qua khảo sát cho thấy, mỗi năm 1ha đất sản xuất theo phương thức trên mang lại cho nông dân 120 - 130 triệu đồng, tăng 60 - 70 triệu đồng so với làm 2 vụ lúa/năm”.  

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 toàn khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên sẽ tiếp tục chuyển 85.000ha đất lúa sang gieo trồng những loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày. Trong đó, Quảng Nam chuyển khoảng 7.700ha. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thời gian qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mới chỉ là những mô hình. Để tiến tới quy mô lớn hơn, cần phải thay đổi phương thức quản lý canh tác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Hòa, việc chuyển đổi phải thống nhất chủ trương giữa ngành liên quan, chính quyền các địa phương để tạo sự đồng thuận trong khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai, vận động nông dân thực hiện. Ông Hòa nói: “Muốn làm tốt khâu này thì cần tính toán đồng bộ. Trước tiên, phải nhanh chóng tiến hành quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và lựa chọn vùng, mùa vụ canh tác thích hợp. Cạnh đó, xác định cơ cấu cây trồng, công thức luân canh phù hợp và có hiệu quả với từng loại đất, theo tập quán từng vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương”. Còn ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thì đề nghị những đơn vị liên quan cần phải ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Đồng thời cần sớm thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng, riêng với Quảng Nam, thời gian tới cần chú trọng chuyển giao các mô hình chuyển đổi cây trồng đã thành công để nông dân tham khảo, áp dụng. Bên cạnh đó, nên có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm bắp, đậu phụng, đậu nành (tương)… từ nguồn sản xuất trong nước. Đồng thời tổ chức lại các ngành hàng để tối đa hóa lợi nhuận cả chuỗi giá trị, hài hòa lợi ích giữa nông dân, nhà chế biến, xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là thi công hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Theo ông Lê Muộn, tỉnh nên tập trung đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, những tổ chức đại diện của nông dân trên lĩnh vực trồng trọt để liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mạng lưới chợ nông sản đầu mối nhằm giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có các sản phẩm nông nghiệp giao dịch thuận lợi, giảm nguy cơ bị ép giá do thiếu thông tin về thị trường. Ông Muộn cũng đề xuất Chính phủ cần có chủ trương hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo đầu ra cho sản xuất, nâng cao giá trị nông sản…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ