Bão qua, người trồng cao su điêu đứng
(QNO) - Cơn cuồng phong đi qua, hàng trăm héc ta cao su bị gãy đổ khiến doanh nghiệp và người dân trồng cao su Hiệp Đức điêu đứng...
Bão số 11 tan, về nhiều vùng chuyên canh cao su của huyện Hiệp Đức nơi đâu chúng tôi cũng thấy cảnh ngổn ngang, hoang tàn. Hàng loạt rừng cao su xanh mướt, sừng sững ngày nào giờ đã nằm la liệt. Cầm chiếc rựa bén ngọt chặt những thân cây cao su thành từng khúc, ông Trần Văn Tông (thôn 3, xã Sông Trà) lắc đầu: “Tiêu tan hết rồi. Bao nhiêu công sức, tiền của trút vào vườn cao su chừ đã bay theo bão dữ. Nợ nần chồng chất, không biết mai này lấy chi trả”. Ông Tông có 6ha cao su từ 2-6 năm tuổi. Đêm 14 rạng sáng 15.10, bão số 11 với sức gió giật cấp 12 càn qua khiến nhiều diện tích sắp bước vào thời kỳ khai thác mủ và đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản bị trốc gốc, gãy ngang thân. Ông Tông than: “Vườn cây cao su bị hư hại nghiêm trọng khiến vợ chồng tôi mất hơn 100 triệu đồng vốn đầu tư thuê người khai hoang cải tạo đất, mua cây giống, phân bón. Đâu chỉ vậy, nếu ông trời không hại thì khi đưa vào khai thác mủ bình quân mỗi năm cũng thu về 30-50 triệu đồng. Không những vốn tự có bị mất mà khoản vay ngân hàng gần 40 triệu đồng chừ cũng tiêu luôn”. Đứng trên đồi cao su của ông Tông nhìn quanh bốn phía, những vườn cao su của các hộ dân khác cũng cùng chung cảnh tiêu đìu.
Anh Trần Văn Trí thẫn thờ trước vườn cao su đổ rạp vì bão. Ảnh: P.GIANG |
Đặt bát mủ thứ 4 dưới thân cao su ngã rạp để hứng những giọt mủ cuối cùng, anh Trần Văn Trí (thôn 4, xã Quế Lưu) bần thần ngồi giữa khu rừng ngổn ngang những thân cây ngã rạp. Không còn nước mắt để khóc, bởi cả hecta cao su chăm bẵm suốt 7 năm trời giờ chỉ như đống củi. Vài tiếng đồng hồ bão quét qua, cả trăm triệu đồng của người nông dân nghèo bay theo bão. Đó là chưa kể mồ hôi, công sức đổ xuống những cánh rừng cao su bạt ngàn. Chỉ tính riêng xã Quế Lưu, đã có 132ha cao su ngã đổ, hơn 80% trong số đó gần như mất trắng. Số cao su còn sót lại mỗi hecta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thu nhập của hàng trăm hộ dân như anh Trí, chủ yếu trông chờ vào vườn cao su. Bình quân mỗi ngày một hecta cao su đến tuổi khai thác cho gần 20kg mủ, nghĩa là gần 400 nghìn đồng/ ngày. Giờ thì vắt kiệt những giọt mủ cuối cùng cũng chưa đầy 50% trong số đó...
Ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch xã Quế Lưu nhẩm tính, toàn xã có 13 hộ mất trắng, số còn lại bị thiệt hại hơn 80%. Những gia đình như ông Lê Tấn Ba (thôn 3, xã Quế Lưu) vừa mất trắng hơn 2ha cao su, căn nhà cũng bị tốc mái hoàn toàn do bão. Hay như anh Bùi Ngọc Nam (thôn 3, xã Quế Lưu), điển hình trồng cao su được tuyên dương với gần 7ha, bị thiệt hại quá nửa mà chủ yếu là diện tích cao su bắt đầu đến tuổi khai thác. Nông dân trồng cao su giờ trắng tay. Đó là chưa kể cây trồng bị gãy đổ, nhà tốc mái... Nhiều nhà còn nguyên khoản nợ vay ngân hàng để trồng cao su, còn cả mấy miệng ăn, còn con cái đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng...
Hàng loạt diện tích cao su tiểu điền của người dân Hiệp Đức bị gãy ngang thân. Ảnh: VĂN SỰ |
Dọc tuyến đường vào xã Quế Lưu, những thân cao su ngã rạp như vừa trải qua một trận bom. “Toàn xã có gần 400ha cao su, số cao su bắt đầu khai thác và sắp đến tuổi khai thác chỉ chiếm chưa đầy 1/3. Cây thì gãy ngang, cây thì dựng lên là đứt rễ, chết ngay, giờ thì chịu, không cách chi cứu được”, ông Trần Ngọc Minh, chủ tịch xã Quế Lưu nói.
Bí thư Đảng ủy xã Quế Lưu, ông Lê Văn Tam cho biết: “Dân chừ chỉ mong Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giảm lãi để người dân tái đầu tư sản xuất. Toàn bộ công sức, vốn liếng họ đã đổ vào những vườn cao su rồi. Mất trắng, dân lấy đâu ra nguồn để trả cho nhà nước. Đó là chưa kể, muốn tái khôi phục diện tích cũng đang là bài toán khó”.
Bà Huỳnh Thị Mai Hiền - Phó chánh Văn phòng UBND huyện Hiệp Đức nói: “Tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có hơn 1.700ha cao su tiểu điền do người dân tự bỏ vốn ra đầu tư trồng. Theo thống kê mới nhất, trong cơn bão số 11 vừa qua toàn huyện có khoảng 210ha cao su tiểu điền bị gió làm gãy thân, trốc gốc. Với số diện tích bị thiệt hại nghiêm trọng như vậy thì tính sơ sơ người dân đã mất hơn 8 tỷ đồng. Đó là mới nói đến chuyện mất vốn đầu tư chứ nếu tính tới việc khi diện tích đó đưa vào khai thác mủ thì số tiền mà nhân dân bị thất thu chắc chắn sẽ gấp hàng chục lần so với con số vừa nêu”.
Không chỉ cao su tiểu điền của dân, hàng loạt diện tích cao su đại điền của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam cũng chung số phận. Ông Nguyễn Duy Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, cơn bão số 11 đã làm ít nhất 200ha cao su đại điền mà đơn vị chúng tôi trồng ở các địa phương thuộc huyện Hiệp Đức bị hư hại nặng, trong đó khoảng một nửa diện tích đang trong thời kỳ khai thác mủ. Ước tổng thiệt hại không dưới 5 tỷ đồng”. Theo ông Phúc, rừng cao su đại điền gãy đổ, không chỉ doanh nghiệp của ông thiệt hại nghiêm trọng về tài chính mà cuộc sống của hàng trăm hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác mủ cao su ở nhiều địa phương của huyện Hiệp Đức cũng bị ảnh hưởng rất lớn...
VĂN SỰ - PHƯƠNG GIANG