Lúa hè thu 2013: Năng suất giảm

CHIÊU THỤC ANH 09/09/2013 08:25

Dù đã chủ động đối phó với những yếu tố bất lợi có thể xảy ra trong vụ hè thu 2013, nhưng năng suất lúa ở huyện Núi Thành vẫn giảm.

Nông dân huyện Núi Thành đang gấp rút hoàn tất thu hoạch vụ lúa hè thu 2013.                        Ảnh:C.T.A
Nông dân huyện Núi Thành đang gấp rút hoàn tất thu hoạch vụ lúa hè thu 2013. Ảnh:C.T.A

Thua mùa lúa

Vội vàng ôm mấy bó lúa chất lên xe để đem về nhà hong phơi, bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn An Lương, xã Tam Anh Bắc) cho biết: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi gieo sạ được hơn 2,5 sào lúa, nhưng năng suất sụt giảm tương đối nhiều so với vụ hè thu năm 2012. Dù đã được cán bộ nông nghiệp thông báo, tập huấn chăm sóc lúa nhưng tôi vẫn không thể nào trở tay kịp với những trận mưa buổi trưa trong thời kỳ lúa làm đòng khiến hạt bị đen và lép rất nhiều”. Bình quân, một sào bà Tuyết thu được khoảng 250kg lúa khô, giảm 45kg so với vụ hè thu năm ngoái.

Ông Bùi Văn Gác - Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết, vụ hè thu 2013, nông dân trên địa bàn sản xuất trên 3.465ha, giảm 114ha so với kế hoạch và giảm gần 1.000ha so với vụ đông xuân vừa qua. Bởi ngay từ đầu vụ, trước nguy cơ khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng và kéo dài, huyện đã chủ động cắt giảm 100ha đất canh tác lúa tại những vùng quá bấp bênh về nước tưới, phụ thuộc vào nước trời ở xã Tam Trà, Tam Mỹ Tây… nhằm tránh thiệt hại cho bà con ở mức thấp nhất.

“Thực tế ngành nông nghiệp đã có nỗ lực dự báo nhưng bà con nông dân chủ quan, không mấy quan tâm. Lý do là hầu hết người trực tiếp sản xuất lúa ở huyện Núi Thành đều là người lớn tuổi, khả năng thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào gieo trồng không cao. Trong khi đó, những người trẻ và trung niên đều đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Điều này phản ánh cơ cấu lao động chuyển đổi theo hướng công nghiệp - dịch vụ, nhưng nếu không có biện pháp thay đổi thì những mùa sản xuất tới, khả năng thua mùa lúa vẫn có thể xảy ra”.
(Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện)

Theo báo cáo sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện, đến nay nông dân huyện đã thu hoạch được gần 90% diện tích lúa. Dự kiến năng suất bình quân ước đạt 43 tạ/ha, đạt 93% so với kế hoạch và 91.39% so với cùng kỳ, sản lượng lúa ước khoảng 14.774 tấn lúa. Điều đáng nói, ở các xã lâu nay không chủ động được nước tưới lại đạt được năng suất khá như Tam Mỹ Đông (51 tạ/ha), Tam Trà (42 tạ/ha)… Còn những xã được xem là trọng điểm lúa thì năng suất không mấy khả quan như Tam Xuân 1, Tam Xuân 2  đạt 42 tạ/ha. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1) cho hay: “Dù diện tích lúa của gia đình chủ động được nước tưới nhưng năng suất lúa vẫn đạt thấp so với mọi năm. Năm nay, chúng tôi chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn và ngừa chuột cắn phá nhưng lại gặp sâu bệnh hoành hành, tấn công liên tiếp”. Ông Nguyễn Tấn Diều - cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân 1, cho biết: “Tam Xuân 1 là một trong số ít xã của huyện được hưởng lợi từ nguồn nước đập Phú Ninh. Trước mùa vụ, chúng tôi đề ra kế hoạch đạt năng suất lúa 50 tạ/ha, dù liên tiếp thông báo chủ động và nỗ lực rất nhiều trong việc phòng trừ sâu bệnh nhưng cuối cùng năng suất đạt quá thấp so với kế hoạch”.    

Bài học mùa sau

Vụ hè thu, xã Tam Trà gieo sạ được 70ha lúa và được đánh giá đạt năng suất tương đối khá so với dự kiến và các xã trọng điểm lúa. Bà con các xã phía tây đang gấp rút thu hoạch nhằm tránh các trận dông, lốc có thể làm lúa ngã đổ, hư hại. Rất nhiều máy cắt lúa cầm tay được bà con thuê, mượn ở các xã lân cận để rút ngắn thời gian thu hoạch. Anh Trần Văn Quyền - cán bộ nông nghiệp xã Tam Trà lý giải: Có lẽ đa số nông dân các xã miền núi Tam Mỹ Tây, Tam Trà sử dụng giống lúa dài ngắn Xi 23, NX 30 có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn cao. Còn bà con ở Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 sử dụng giống lúa ngắn ngày như Khang dân 18 khả năng chống chịu kém hơn. Dù chủ động cắt giảm diện tích gieo trồng lúa nhưng thay vào đó, bà con xã Tam Trà trồng bắp và đạt năng suất khá nên bù lại vẫn đảm bảo được sản lượng lương thực cả vụ của xã.

Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng, việc sụt giảm năng suất của vụ hè thu năm nay là một trong những bài học cần phải đúc kết. Bởi ngay từ đầu vụ, huyện đã dự lường những yếu tố bất lợi có thể xảy ra và có chỉ đạo quyết liệt để giảm thiệt hại thấp nhất. Thế nhưng mất mùa vẫn xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh những yếu tố như thời tiết nắng nóng, trong thời kỳ lúa trổ đòng gặp phải những trận mưa lớn do ảnh hưởng từ ba đợt bão liên tiếp khiến quá trình thụ phấn gặp nhiều khó khăn, hạt bị đen và lép rất nhiều. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn thối thân hoành hành ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa. Ông Nguyễn Tấn Diều - cán bộ nông nghiệp xã Tam Xuân nói: “Chúng tôi luôn theo sát và thường xuyên dự báo khả năng dịch bệnh có thể xảy ra nhưng người dân khá chủ quan nên không có phương án phòng chống sâu bệnh kịp thời. Điều đáng nói, sâu bệnh năm nay có quy luật khác lạ, chồng hai lứa liên tiếp, tấn công liên tục nên ảnh hưởng mạnh đến năng suất lúa”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH