Cách phòng và chữa trị bệnh tai xanh
Nhằm giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng bệnh tai xanh, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Nam đưa ra những biện pháp mang tính khả thi như sau:
- Chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Tăng cường chế độ dinh dưỡng cho heo. Mua heo giống từ những cơ sở đảm bảo chất lượng. Định kỳ vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi mỗi tuần 2 lần bằng các loại thuốc sát trùng thích hợp, không ảnh hưởng đến hô hấp khi heo hít phải. Đặc biệt, phải tiêm phòng đầy đủ vắc xin tai xanh và các bệnh nguy hiểm thường kế phát bệnh tai xanh, gồm: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn.
- Để phát hiện kịp thời bệnh tai xanh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn heo và chú ý những điểm sau: Heo sốt cao hơn 400C, khó thở, có những vết bầm, thâm tím trên da, tai tím xanh. Trong thực tế, khi người nuôi thấy heo bị bệnh chích kháng sinh nhiều ngày không giảm, heo nái sẩy thai, heo con và heo cai sữa ửng đỏ toàn thân hoặc tai tím bầm... thì đây là những biểu hiện đặc trưng để chẩn đoán heo bị bệnh tai xanh.
- Bệnh tai xanh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị triệt để căn bệnh. Việc sử dụng thuốc điều trị có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc chống bội nhiễm các bệnh khác mà không diệt ngay được vi rút gây bệnh. Nếu không bị bội nhiễm bệnh khác gây chết, cơ thể heo sẽ tự tạo được kháng thể tự nhiên chống lại vi rút tai xanh và heo dần hồi phục. Thực tế cho thấy, các trại nuôi có quy trình vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn đầy đủ thì kể cả khi có dịch tai xanh phát sinh cũng chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và khả năng khỏi bệnh đạt đến 90% nếu được chăm sóc, điều trị hợp lý.
Qua quá trình theo dõi việc chăm sóc, điều trị heo bệnh tại một số địa phương trong thời gian chống dịch, xin đưa ra một phác đồ điều trị mang tính tham khảo:
- Việc đầu tiên là phải cách ly số heo bệnh, chăm sóc tốt, giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.
- Nếu heo có biểu hiện sốt thì tiêm kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng. Loại kháng sinh này thường được ghi ký hiệu trên nhãn với chữ L.A in hoa. Không nhất thiết phải mua các kháng sinh nhập khẩu đắt tiền vì đối với bệnh tai xanh, kháng sinh chỉ có tác dụng ngăn bội nhiễm chứ không phải là thuốc điều trị chủ lực.
- Pha Vitamin C + Glucose hoặc Eletrolytes hòa nước cho heo uống hàng ngày để nâng cao sức đề kháng.
- Nếu heo sốt cao, sử dụng thuốc hạ sốt, như: Paracetamol, Anagin C... Còn trường hợp thở khó thì dùng thuốc long đờm, trợ hô hấp Bromhexin. Bệnh có thể khỏi từ 5 đến 15 ngày tùy thuộc vào sức khỏe đàn heo, quy trình tiêm phòng đầy đủ các bệnh trước đó.
Theo TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG – KHUYẾN NGƯ QUẢNG NAM