Mô hình nuôi gà trên cát ở Tam Thăng: Rất khó nhân rộng

Đoàn Ly 14/03/2013 08:53

Gần đây, ở vùng cát Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gà trang trại quy mô lớn. Dù kết quả bước đầu rất khả quan, song người dân vẫn chưa an tâm nhân rộng mô hình.

Thành công bước đầu

Trên diện tích đất trồng điều của gia đình ở thôn Thái Nam (xã Tam Thăng), ông Phan Thanh Duy vận động cùng ông Nguyễn Thành tham gia góp vốn triển khai mô hình nuôi gà. Do trước đó đã có kinh nghiệm nuôi gà tại gia đình nên khi thực hiện mô hình này, cả hai ông không gặp nhiều khó khăn. Đến nay, sau gần một năm đầu tư, trang trại mở rộng hơn 2ha, trong đó có hơn 450m2 nhà trại. Ông Thành cho biết, tổng doanh thu trong năm 2012 đạt gần 1 tỷ đồng. Kể từ khi đưa con gà vào chăn nuôi, kinh tế gia đình ông Duy và ông Thành khá hơn trước. Vì vậy, hai ông đang tính mở rộng thêm 1.000m2 chuồng trại.

Các chủ trang trại nuôi gà ở Tam Thăng chưa tìm được đầu ra ổn định.
Các chủ trang trại nuôi gà ở Tam Thăng chưa tìm được đầu ra ổn định.

Cách đó không xa, trang trại nuôi gà của 4 ông Trần Minh Tâm, Đoàn Ngọc Tiến, Bùi Minh Trực, Bùi Việt Tín cũng đang phát huy hiệu quả. Trước đây, cả 4 người đều chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình. Đến tháng 3.2012, ông Tín nhận thấy diện tích đất hoa màu tại thôn Mỹ Cang phần lớn đang bị bỏ hoang, lại xa khu dân cư nên mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà quy mô lớn. Thấy có hiệu quả kinh tế, tháng 6.2012, sau khi xã Tam Thăng phát động xây dựng nông thôn mới, ông Tín rủ thêm 3 hộ khác đầu tư trang trại nuôi gà. Đầu tháng 12, trang trại này đã có 13 chuồng vừa nuôi vừa ấp gà con. Trên vùng đất cát trắng, ông Tín tận dụng nguồn phân gà để trồng thêm cây điều vừa che mát cho gà, vừa thu lợi kinh tế lâu dài. Ngoài ra, ngay trong trang trại cũng trồng thêm cỏ để tăng nguồn thức ăn cho gà.

Trang trại nuôi gà của 4 ông: Tâm, Tiến, Trực, Tín.
Trang trại nuôi gà của 4 ông: Tâm, Tiến, Trực, Tín.

Bấp bênh đầu ra

Các chủ trang trại lớn của Tam Thăng đều có xuất phát điểm từ chăn nuôi nhỏ trước đó. Kinh nghiệm sẵn có, cộng với tìm hiểu trên sách vở và học hỏi trong đợt tập huấn do xã tổ chức, các chủ trang trại đã có thể làm theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà. Địa thế khu chăn nuôi cô lập nên vấn đề dịch bệnh được giảm đến mức tối đa. Gà thả vườn nuôi trên cát có chất lượng tốt, thịt ngon. Tuy nhiên, vấn đề vốn và giá đầu ra đang là bài toán khó. Ông Nguyễn Thành cho biết: “Hiện nay, mỗi con gà mới nở chúng tôi mua với giá 23 nghìn đồng; từ khi nuôi đến khi đạt trọng lượng 1.7kg/con để bán thì 1.000 con đã tiêu thụ hết 4 - 5 tấn bột, trung bình một ngày hết 2 triệu đồng cho thức ăn, chưa kể thuốc men, vắc xin định kỳ. Vậy nhưng từ đầu năm đến nay, giá bột tăng đến 3 lần, giá con giống cũng tăng mà đầu ra thì bị cạnh tranh bởi gà Trung Quốc có giá bán rẻ hơn rất nhiều. Xuất bán cả mấy ngàn gà nhưng hòa vốn đã là may”. Theo ông Bùi Việt Tín, trong tháng 9.2012, gà thương phẩm của Trung Quốc chỉ có giá 40 nghìn đồng/kg. Với giá thấp như vậy, gà của địa phương không cạnh tranh nổi. “Đầu ra nhiều rủi ro. Chưa kể về nguồn con giống, chúng tôi cũng rất bị động, lỡ gặp phải đợt giống xấu thì tỷ lệ chết nhiều” - ông Tín cho biết thêm.

Từ khi xã Tam Thăng phát động xây dựng nông thôn mới, các hộ có trang trại nuôi gà được khuyến khích vào hợp tác xã. Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết: “Theo đề án xây dựng nông thôn mới, xã sẽ hướng dẫn các hộ vào hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các hộ phát triển mô hình này”. Ông Tín nói: “Nếu có một quy trình khép kín và cam kết về đầu ra thì chúng tôi sẽ tính chuyện mở rộng trang trại, còn như giờ thì vẫn vừa làm vừa lo”. Ông Thành cũng đau đầu với hướng đi mới: “Nếu được hỗ trợ về nguồn vốn và siết chặt nguồn gà nhập ngoại, chúng tôi còn có khả năng phát triển hơn nữa, vì loại gà thả vườn nuôi trên cát này vẫn rất được ưa chuộng”.

Đoàn Ly

Đoàn Ly