Hỗ trợ heo tiêu hủy: Phải có hồ sơ chứng nhận tiêm phòng
Ông Lê Hữu Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định như vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam xung quanh việc hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy vì nhiễm dịch tai xanh.
|
Đưa heo nhiễm dịch đi tiêu hủy. Ảnh: V.SỰ |
Thưa ông, trong đợt dịch tai xanh này toàn tỉnh có bao nhiêu con heo bị tiêu hủy bắt buộc và mức hỗ trợ như thế nào?
Ông Lê Hữu Hà: Vi rút gây dịch tai xanh đã khiến 4.435 con heo của 1.262 hộ dân ở 161 thôn, khối phố thuộc 37 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước bị mắc bệnh. Trong số 4.435 con heo bị nhiễm dịch thì có 887 con phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 37.393kg hơi.
Kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy bắt buộc được thực hiện theo Thông báo số 1531/TB-LSTC-NN&PTNT ngày 3.10.2012 của liên Sở Tài chính - NN&PTNT với mức cụ thể là 23 nghìn đồng/kg heo hơi thương phẩm.
Xin ông cho biết các trường hợp nào không được Nhà nước hỗ trợ?
Ông Lê Hữu Hà: Về điều kiện hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 4228/QĐ-UBND ngày 20.12.2011 của UBND tỉnh. Cụ thể, Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các chủ vật nuôi chấp hành tốt việc tiêm phòng (có hồ sơ chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin); đối với heo nhập về để tái đàn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y hoặc heo mà chủ vật nuôi có ký kết hợp đồng dịch vụ thú y trọn gói. Những trường hợp không đủ một trong các điều kiện nêu trên thì không được hỗ trợ.
Trong đợt này ở nhiều địa phương có xảy ra hiện tượng heo bị chết do phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin tai xanh bao vây, khống chế dịch. Xin ông cho biết cụ thể về số lượng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Lê Hữu Hà: Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 625 con heo phải tiêu hủy bắt buộc do phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin tai xanh với tổng trọng lượng hơn 28.865kg hơi. Về mặt kỹ thuật, biện pháp chủ đạo trong công tác chống dịch là sử dụng vắc xin tiêm phòng bao vây ổ dịch. Theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, để nhanh chóng kết thúc dịch, phải tiêm vắc xin vào thẳng ổ dịch. Khi đó, nếu những con heo nào không mang trùng thì tạo được sức đề kháng với bệnh tai xanh sau 7 - 14 ngày tiêm phòng vắc xin. Còn nếu con heo đang mang trùng hoặc đang mắc bệnh có thể được miễn dịch nhưng cũng có thể làm cho diễn tiến bệnh nhanh hơn dẫn đến bị chết. Khi heo chết, tiến hành tiêu hủy sớm sẽ chấm dứt được việc bài thải vi rút ra bên ngoài môi trường.
Việc tiêu hủy heo do phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin tai xanh vẫn được hỗ trợ cũng với mức 23 nghìn đồng/kg heo hơi thương phẩm. Nhưng điều kiện hỗ trợ thì không ràng buộc, bởi những chủ vật nuôi này đã chấp hành quy định chống dịch của Nhà nước, mà nói là họ đã thực hiện việc tiêm phòng vắc xin bao vây, khống chế dịch.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Siết chặt khâu giết mổ tại vùng đệm Như Báo Quảng Nam đã thông tin, trước tình hình dịch tai xanh cơ bản được khống chế, UBND tỉnh vừa có thông báo về việc giải tỏa từng phần các biện pháp phòng chống dịch tại 11 huyện, thành phố thuộc vùng đệm. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch tai xanh, Sở NN&PTNT vừa có công văn gửi ngành liên quan và các địa phương đề nghị thực hiện các yêu cầu sau: không được bán thịt heo tươi sống chưa qua kiểm soát giết mổ hoặc sản phẩm nhiễm bệnh, ôi thiu. Heo khi đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, phải có giấy biên nhận bán heo của chủ vật nuôi và xác nhận của trưởng thôn nơi bán heo. Phương tiện chở heo phải có sàn kín hoặc có bao ni lông, bạt để lót, đảm bảo không để rơi vãi các chất thải trong quá trình vận chuyển, phải được phun thuốc tiêu độc, khử trùng trước và sau khi vận chuyển. Khi heo được thả vào nơi nuôi nhốt tại cơ sở giết mổ, toàn bộ chất thải trên phương tiện vận chuyển phải được thu gom xử lý theo quy định. Về điều kiện giết mổ, ngành nông nghiệp yêu cầu heo phải được chuyển đến cơ sở giết mổ ít nhất 12 giờ trước khi giết thịt để cơ quan thú y theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe. Chủ cơ sở giết mổ chỉ được phép mua heo trong phạm vi huyện, thành phố nơi mình đóng chân và lưu giữ giấy biên nhận hợp lệ của chủ bán heo. Cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ phải lập sổ theo dõi và ghi lại những thông tin cần thiết khi kiểm soát tại cơ sở giết mổ. Đồng thời, phải sử dụng nhiệt kế để đo thân nhiệt của heo, nếu phát hiện heo bị sốt thì phải cách ly, báo cáo ngay về trạm thú y cấp huyện để điều tra truy tìm nguồn gốc heo trên cơ sở giấy biên nhận và xử lý kịp thời. Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị chủ tịch các UBND huyện, thành phố thuộc vùng đệm chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở được phép giết mổ và việc vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn. Buộc các chủ cơ sở được phép giết mổ cam kết không giết mổ heo chưa qua kiểm tra của trạm thú y cấp huyện. Phụ phẩm không làm thực phẩm và các chất thải sau khi giết mổ phải được thu gom, chôn sâu giữa hai lớp vôi hoặc đốt. Nơi nhốt giữ heo, khu vực giết mổ, dụng cụ giết mổ phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau khi giết mổ. Ngoài ra, chính quyền cơ sở phải công khai tên cơ sở được phép giết mổ trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Khuyến cáo người dân chỉ mua và sử dụng thịt heo đã được kiểm soát giết mổ. Đặc biệt, tiếp tục duy trì các chốt chặn ở những vùng trọng yếu để quản lý việc vận chuyển, nhập heo từ các vùng dịch vào địa phương mình, hạn chế sự lây nhiễm mầm bệnh. Đội Kiểm soát lưu động liên ngành phòng chống dịch bệnh động vật cấp huyện cần kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển heo và các sản phẩm của heo, tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm của heo không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y của cơ quan chuyên môn...(MAI NHI) |
VĂN SỰ (thực hiện)