Trái thơm lao đao

HOÀNG YÊN - THIÊN XUÂN 30/01/2013 08:49

Hàng trăm hộ dân có đất trồng trọt tại khu vực Mò O, thôn Thác Cạn, Ba Tớt (huyện Đại Lộc) cùng những thương lái buôn chuyến ngược xuôi dòng sông Bung, sông Cái và sông Vu Gia đang khó tiêu thụ thơm vì mực nước của các con sông này lên, xuống thất thường.

Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà máy thủy điện A Vương, thủy điện Sông Bung 5, Sông Bung 6 đóng - xả nước bất thường khiến mực nước trên các dòng sông thay đổi đột ngột. Có khi ở giữa dòng chỉ cao đến… mắt cá chân, rồi bỗng chốc nước chảy về ào ào. Theo thông tin từ người dân, lịch xả nước của các thủy điện rất thất thường. Khoảng cuối tháng 12.2012 “đứng nước” cả 10 ngày khiến cho giữa dòng sông khô rốc. Anh Phạm Thanh, chủ cửa hàng bán gạo tại khu vực cho hay: “Lúc trước, mỗi bao gạo chở từ chợ Hà Tân lên bãi Thơm tốn khoảng 5.000 đồng nhưng giờ là 20.000 đồng. Chúng tôi không thể trách việc lên giá vì nước cạn, chủ ghe không chở nặng được nên phải vận chuyển nhiều lần và phải thuê người đẩy ghe ra khỏi bãi”.

Những xe đẩy chất đầy thơm đã nằm ngoài bãi Thơm 2 ngày chờ nước lớn.
Những xe đẩy chất đầy thơm đã nằm ngoài bãi Thơm 2 ngày chờ nước lớn.

Trước đây dọc tuyến sông từ chợ Hà Tân lên bãi Thơm, Mò O có đến 103 chiếc ghe hoạt động để đưa đón khách và chở hàng. Nhưng từ ngày nước lớn, nước cạn không còn theo quy luật của tự nhiên, tuyến chợ Hà Tân - bãi Thơm, Mò O chỉ còn lại 16 chiếc. Nước sông lên xuống thất thường cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc bán thơm của người dân tại khu vực này. Ông Nguyễn Tấn Luận (thôn Thác Cạn) cho biết: “Thơm bẻ ra chờ nước lớn để ghe lên mua nhưng chẳng thấy đâu. Chỉ trong vòng 10 ngày thủy điện không xả nước khiến nhà tôi thất thu hơn 10 triệu tiền thơm”. Chị Nguyễn Thị Chi (thôn Đầu Gò) dẫn chúng tôi đến hai xe đẩy thơm phủ bạt, bức xúc: “Thơm trên vườn đã chín nhưng không có ghe thuyền vận chuyển nên bình thường bán 5.000 đồng/trái giờ giảm còn 3.000 đồng”.

Về phía thương lái cũng khó khăn không kém. Vợ chồng anh Thanh - chị Lệ (thương lái ở Đại Hồng) thở dài: “Ghe của vợ chồng tôi lên bãi thu mua thơm được hai ngày rồi nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy nước lên để chở thơm về. Tình hình thế này thì thơm phơi nắng héo hư hết, chúng tôi chỉ có nước lỗ vốn”. Ngoài ghe của vợ chồng anh Thanh, ghe bà Hồ Thị Hường, ghe vợ chồng bà Nguyễn Thị Tánh được xem là may mắn lắm mới lên được đến bãi Thơm, còn nhiều ghe đang mắc cạn ở cách bãi Thơm khoảng 3km. “Vợ chồng tôi mua thơm ở bãi Thơm, Mò O 15 năm nay rồi nhưng chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như từ lúc thủy điện xả, đóng nước không giờ giấc thế này. Những năm trước mỗi chuyến đi - về mất 2 tiếng đồng hồ, giờ có khi đi cả ngày hoặc hai ngày mới về dưới xuôi được”.

Ngã ba Mõm Lợn, nơi giao nhau của sông Bung - sông Cái - sông Vu Gia là đầu mối giao thông quan trọng của hơn 100 hộ dân 3 thôn Thác Cạn, Ba Tớt, Đầu Gò và những người dân các thôn, xã khác có đất canh tác tại đây. Điều người dân lo lắng nhất là sắp đến mùa thu hoạch rộ thơm, bắt đầu từ tháng 2 (âm lịch), cũng chính là mùa khô nên mực nước sông sẽ xuống thấp hơn thì không biết phải xoay xở như thế nào. Ông Nguyễn Tấn Rê, Bí thư xã Đại Sơn cho biết: “Hiện xã không được biết lịch đóng - xả nước của các thủy điện A Vương, Sông Bung 5 và Sông Bung 6. Vấn đề này cũng được báo cáo trong cuộc họp HĐND huyện vừa qua và huyện đã đồng ý đưa vấn đề này vào chương trình năm 2013, dự kiến sẽ mở con đường từ Mõm Lợn đến Mang Mang (Thác Cạn) dài 4km nhưng hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể”.

HOÀNG YÊN - THIÊN XUÂN

HOÀNG YÊN - THIÊN XUÂN