Người mở đường nghề ươm keo giống
Nếu không có ông, đời sống của một bộ phận người dân ở xã nghèo Phú Thọ (huyện Quế Sơn) chẳng biết bao giờ mới có thể đi lên, càng không thể có những triệu phú trồng rừng phất lên ở nhiều nơi trong toàn huyện như bây giờ.
Ông Thành bên vườn keo ươm thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Vừa gặp chúng tôi, ông Trần Đức Thành (SN 1957, ở thôn 1, xã Phú Thọ) đã hớn hở khoe ngay mô hình làm kinh tế mới: “Tôi sắp hoàn thành trang trại nuôi heo siêu nạc khép kín khoảng 1.000 con. Mình chỉ việc làm, còn con giống, kỹ thuật, đầu ra do Công ty Chăn nuôi Việt Nam chi nhánh tại Đà Nẵng lo”.
Từ kỹ thuật viên “bao đồng”
Năm 1992, dự án trồng rừng PAM 4304 được triển khai về huyện Quế Sơn. Dù phải bán từng gánh củi mua gạo nuôi con nhưng ông Thành vẫn tình nguyện bỏ thời gian, tiền bạc đi khắp các xã kêu gọi người dân trồng rừng. “Khi ấy, thấy tôi khá hào hứng với nghề ươm keo, trồng rừng, Phòng NN&PTNT huyện mời về làm cán bộ kỹ thuật” - ông Thành kể. Hằng ngày, ông lặn lội về từng địa phương chỉ vẽ quy trình, kỹ thuật, kinh nghiệm ươm và trồng keo, vận động người dân tham gia trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Kể về cơ duyên đến với nghề ươm keo, ông Thành nói: “Trước khi có dự án PAM 4304, tôi gặp một người tên Tuấn, quê ở Thăng Bình, về đây ươm keo tại HTX để cấp cho dân trồng. Ông này ngỏ ý nhờ tôi mỗi năm ươm giúp ông 1.000 cây keo giống. Nhận thấy tiềm lực của nghề nên tôi nhận lời. Rồi đến khi làm việc ở huyện, tôi được tham gia lớp tập huấn ở Đà Nẵng về kỹ thuật xử lý hạt, quy trình làm đất, sử dụng phân bón, diệt trừ sâu bệnh…”.
Xã Phú Thọ có diện tích tự nhiên hơn 2.500ha; trong 830ha đất sản xuất nông nghiệp, xã chỉ chủ động nước được 110ha, còn lại nhờ vào nước trời. Từ khi có nghề ươm keo và đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đời sống của người dân ngày một nâng cao. “Ở vùng đất này chỉ sản xuất lúa được một vụ đông xuân, sau đó đất bỏ hoang. Cũng may nhờ có nghề ươm keo giống mà người dân sống được. Kết thúc mùa trồng rừng năm nay, bình quân thu nhập mỗi hộ ươm keo giống 15 - 20 triệu đồng” - ông Nguyễn Trường Sang, Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết. |
Thời gian đó, ông Thành còn sang các huyện khác như Nông Sơn, Nam Trà My... để tư vấn cho một số hộ trồng rừng. “Công việc không phải lúc nào cũng êm xuôi. Nhiều khi tiền hỗ trợ chuyển rồi, cây con đã đưa về, phân tích ý nghĩa, giá trị khi tham gia dự án nhưng có nơi người dân một mực không chịu trồng, dù đất hoang cỏ mọc” - ông Thành kể. Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm, tài lực, nhất là thành tâm muốn bà con làm giàu từ rừng, những chuyến tham vấn thực tế của ông đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều người dân đã dần thấu hiểu, ý thức được giá trị kinh tế từ việc trồng rừng mang lại. Họ mạnh dạn đầu tư vay vốn, mở mang diện tích, phát triển kinh tế rừng... Hết PAM 4304 đến dự án 327 (5 năm), 661 (5 năm), ông Thành vẫn nhiệt huyết, miệt mài với công việc đầy trách nhiệm...
…đến triệu phú ươm keo giống
Khi nhận thức về trồng rừng của người dân ở nhiều xã đã dần thông suốt, năm 2005, ông quyết định về mở vườn ươm keo giống tại nhà. Với quy mô lớn, chất lượng đạt chuẩn, vườn ươm của ông được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tín nhiệm đặt mua. Ông Thành cho biết, năm này ông xuất bán khoảng 800 nghìn cây keo giống (chủ yếu là keo lai, ghép cành), ươm trồng thêm sao đen (đã xuất bán 15 nghìn cây). “Kể luôn 30ha rừng trồng vừa cho thu hoạch hơn 10ha, tổng thu nhập năm nay của gia đình tôi cũng được vài trăm triệu đồng” - ông Thành nói. Nhờ ươm keo, trồng rừng mà ông Thành chăm lo chu đáo cho cả ba người con ăn học đại học, con trai đầu nay đã ra trường, có công việc ổn định.
Không chỉ lo kinh tế cho gia đình, ông Thành còn “đào tạo” cho hàng trăm hộ dân của xã Phú Thọ tiếp cận với nghề ươm keo giống. Đến nay, gần 2/3 số hộ dân trong xã đã xây dựng vườn ươm tại nhà, cho thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Hằng năm, vườn ươm của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 25 - 30 người. “Nếu lúc trước tôi phải chạy đi làm thuê khắp nơi thì bây giờ, làm xong vườn ươm nhà là tôi lại có việc tại vườn ươm của anh Thành. Công việc không vất vả lắm, thu nhập ổn định” - chị Trương Thị Ninh, một người dân trong xã phấn khởi nói. “Trong quy trình ươm keo giống, khâu xử lý hạt là hết sức quan trọng, hạt phải rửa thật sạch nếu không sẽ dễ bị thối khi vô bầu. Nhưng nếu chỉ học lý thuyết mà áp dụng vào sản xuất thì còn mơ hồ, tôi nghĩ cần phải học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thật nhiều từ thực tiễn” - ông Thành giãi bày quan điểm. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Thành chia sẻ: “Bây giờ làm ruộng dễ chi giàu, giỏi lắm đủ ăn, phải mở hướng làm kinh tế mới hy vọng. Tôi thật sự phấn khởi khi bao công sức mình bỏ ra đã giúp bà con phần nào ổn định cuộc sống”.
Bây giờ, cứ mỗi đợt ươm keo, gặp khó khăn gì về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh, phân bón… là người dân Phú Thọ lại tìm đến ông nhờ tư vấn, hướng dẫn. Ông Nguyễn Trường Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ nói: “Anh Thành là người đầu tiên dẫn dắt nghề ươm keo giống ở xã. Nhờ anh mà người dân Phú Thọ đã vươn lên xóa đói giảm nghèo từ lâm nghiệp. Hiện nay, keo ươm Phú Thọ rất có uy tín với chất lượng đạt chuẩn”.
VĂN TOÀN - PHƯỚC TÍN