Ứng dụng công nghệ giữ rừng

TRẦN HỮU 21/05/2018 10:13

Trước những cách thức bảo vệ rừng (BVR) truyền thống chưa mang lại hiệu quả, cơ quan kiểm lâm đã mạnh dạn cải tổ bộ máy quản trị rừng và dùng công nghệ theo dõi trạng thái rừng.

Phương pháp giám sát rừng bằng công nghệ sẽ được nhân rộng. Ảnh: TRẦN HỮU
Phương pháp giám sát rừng bằng công nghệ sẽ được nhân rộng. Ảnh: TRẦN HỮU

Lâu nay công tác bảo vệ, tuần tra tại các cánh rừng chủ yếu là tại mặt đất, trong khi địa bàn miền núi của tỉnh có diện tích rừng rất lớn, địa hình xa xôi nên đội ngũ kiểm lâm khó kiểm soát được toàn bộ hiện trạng rừng trong thời gian ngắn. Vì thế, kiểm soát hiện trạng rừng từ trên cao sẽ giúp lực lượng BVR nhanh chóng phát hiện các hành vi bất thường, hạn chế xâm hại tài nguyên quy mô lớn, xảy ra thời gian dài.

Theo dõi từ trên cao

Từ cuối năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp nghiên cứu tham mưu xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên rừng theo hướng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để sớm phát hiện các nguy cơ gây mất rừng và áp dụng rộng rãi đến lực lượng BVR tại cơ sở.

Trong khuôn khổ dự án Trường Sơn xanh thực hiện tại Quảng Nam, phía nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đầu tư cho một số địa phương, chủ rừng, cơ quan kiểm lâm các thiết bị như GPS, máy ảnh, bản đồ, la bàn, công cụ hỗ trợ, phần mềm chuyên dụng (SMART) để thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát, phân tích thông tin về trạng thái rừng.

Trước đó, Đội tuần tra BVR ở Khu bảo tồn Sao la đã ứng dụng phương pháp giữ rừng bằng công nghệ rất thành công từ việc phát hiện ở Tây Giang còn tồn tại nhiều cá thể sao la qua bẫy vệ tinh. Từ ngày thành lập đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn Sao la đã tổ chức hơn 1.000 chuyến tuần tra, phá hủy gần 28 nghìn bẫy động vật và 650 lán trại dựng trái phép trong rừng.

Ngoài ra, giải cứu hàng chục cá thể động vật bị mắc bẫy; ghi nhận sự hiện diện của nhiều loài động vật quý hiếm, giúp các nhà khoa học, cơ quan quản lý bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả hơn.

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Từ Văn Khánh cho biết, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng, tham mưu Sở NN&PTNT trình cấp thẩm quyền thẩm định đề án “Hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát tài nguyên rừng tỉnh Quảng Nam”.

Đề án gồm nhiều hạng mục, nhưng lưu ý nhất là hạng mục theo dõi diễn biến rừng từ ảnh vệ tinh thông qua phần mềm dùng trên thiết bị di động. Trong khuôn khổ dự án Trường Sơn xanh thực hiện tại Quảng Nam, USAID hỗ trợ 225 thiết bị máy tính bảng và kinh phí tổ chức các lớp tập huấn; hỗ trợ phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

Theo đó các cơ sở dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp sẽ được số hóa, cập nhật thường xuyên lên hệ thống phần mềm để các chủ rừng và cán bộ ngành lâm nghiệp có thể truy cập để biết được chính xác thông tin về tài nguyên rừng, hiện trạng rừng và thực hiện báo cáo nhanh với ngành lâm nghiệp.

Ngoài ra, ứng dụng phần mềm công nghệ giúp ngành lâm nghiệp có đủ cơ sở dữ liệu để lập kế hoạch xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng theo từng năm cũng như chiến lược trung, dài hạn; nâng cao được năng lực, trình độ của lực lượng kiểm lâm trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

“Ứng dựng công nghệ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc sớm phát hiện nguy cơ mất rừng để kịp thời tổ chức kiểm tra, ngăn chặn cũng như thực hiện cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất rừng hiệu quả hơn” - ông Khánh khẳng định.

Cải tổ bộ máy

Diện tích rừng ở các xã Tà Lu, Jơ Ngây (Đông Giang) là địa bàn thuộc lâm phận của Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn. Tuy nhiên, mô hình “2 trong 1” - Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng phòng hộ Sông Kôn đã bộc lộ sự bất hợp lý trong quản lý. Để xảy ra vụ việc phá rừng ở Tà Lu, Jơ Ngây, về nguyên tắc Hạt kiểm lâm Sông Kôn sẽ xử phạt Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn, nhưng với bộ máy tổ chức “2 trong 1” như hiện nay, hạt trưởng không thể xử phạt bản thân mình.

Tại địa bàn miền núi, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng là chủ rừng, quản lý diện tích rừng lớn nhưng chưa có hạt kiểm lâm, nên về chức năng không thể xử lý hành vi vi phạm lâm luật. “Khoảng trống” giữ rừng lớn nhất là hạt kiểm lâm liên huyện quản lý địa bàn quá rộng nên chậm phát hiện các vụ phá rừng.

Vì phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng nên khi xảy ra tình trạng phá rừng thường khó xác định trách nhiệm cụ thể. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đang tiến hành cải tổ triệt để bộ máy giữ rừng theo hướng mỗi huyện chỉ có một hạt kiểm lâm.  Theo đề án đổi mới, kiện toàn lực lượng kiểm lâm, thì việc quản lý, BVR sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, BVR trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý là sắp xếp, tách hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng giao để về cho địa phương quản lý, chứ không phải như hiện nay giám đốc ban quản lý rừng kiêm luôn hạt trưởng hạt kiểm lâm. UBND tỉnh chọn huyện Nam Giang để áp dụng thí điểm sắp xếp lại mô hình giữ rừng, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm. UBND tỉnh sẽ xem xét từng địa bàn, địa phương để triển khai hình thức giao khoán rừng phù hợp. Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh tồn tại 3 mô hình giao khoán rừng cho cộng đồng thôn, tổ hợp tác; giao khoán rừng cho tổ, đội BVR trực thuộc chủ rừng và giao rừng cộng đồng.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng sẵn sàng cho các phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng. Cập nhật số liệu từ các trạm quan trắc khí tượng, tiến hành xử lý và đưa ra cấp dự báo cháy rừng để đăng tải trên hệ thống thông tin đại chúng. Kiểm lâm tỉnh cũng phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ với kiểm lâm các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng trong công tác phòng chống chữa cháy rừng ở khu vực giáp ranh. Lực lượng kiểm lâm đã  tu sửa những bảng quy ước, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng đặt ở ngoài bìa rừng; xây dựng 488 tổ đội quần chúng BVR với hơn 4.700 người tham gia…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU