Kiểm soát chặt rác thải tại nguồn

TRẦN HỮU 12/01/2018 09:30

Nhiều nơi quy hoạch, quản lý được rác thải nguy hại nhưng vẫn lúng túng ở khâu kiểm soát, phân loại rác thải tại nguồn, gây trở ngại trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là vấn đề cấp bách cần được giải quyết trong năm 2018.

Việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay chưa triệt để.  TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom rác ở đường phố Tam Kỳ. Ảnh: TR.HỮU
Việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay chưa triệt để. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom rác ở đường phố Tam Kỳ. Ảnh: TR.HỮU

Chưa phân loại rác triệt để

Các địa phương trong tỉnh đến nay vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn một cách triệt để nên còn gặp khó khăn trong xử lý chất thải rắn. Tại Hội An, nhiều năm qua chính quyền thành phố triển khai thí điểm chương trình “Phân loại rác thải tại nguồn” ở 4 phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An. Theo đó, hộ dân, trường học, cơ quan, cơ sở y tế trên địa bàn có trách nhiệm sàng lọc, phân loại rác thải trước khi được thu gom vận chuyển đến nơi xử lý. Kết quả giám sát phân loại rác qua các năm gần đây cho thấy, khoảng 75% số tổ chức, hộ dân của thành phố thực hiện tốt chương trình “phân loại rác tại nguồn” trong tổng số 85% số tổ chức, hộ dân đăng ký thu gom rác với địa phương. Việc chưa phân biệt được đâu là rác thải nguy hại, đâu là rác thải thông thường hầu hết rơi vào nhóm trường hợp chưa đăng ký thu gom rác thải.

Theo chính quyền phường Minh An, vẫn còn tình trạng một số tuyến đường, khu phố, điểm đầu các kiệt hẻm, người dân mang rác ra tập kết không đúng giờ quy định hoặc không phân đúng loại rác thải. Nhiều khu vực do không còn, hoặc thiếu diện tích đất để chôn lấp nên lượng rác tồn lưu không được chôn lấp hợp vệ sinh ngày càng tăng, gây ô nhiễm nặng môi trường. Đặc biệt, bãi rác Cẩm Hà luôn trong tình trạng quá tải, đe dọa chất lượng môi trường sống của nhân dân trong khu vực. Theo Phòng Tài nguyên và môi trường TP.Hội An, phân loại rác thải cần gắn liền với đầu tư hạng mục xử lý đúng tiêu chuẩn. Muốn vậy, Nhà nước cần phân cấp mạnh nguồn đầy tư xây dựng lò đốt đảm bảo quy chuẩn môi trường, kiểm soát lượng rác tồn tại bãi rác Cẩm Hà.

Gần đây chính quyền TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Núi Thành… không chủ trương cấp phép đầu tư cho các loại hình, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kể cả xây dựng mới bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến… có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Lo ngại ô nhiễm

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, việc xử lý rác thải hiện nay của tỉnh chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Trong số 20 bãi rác đang hoạt động chỉ có 6 bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, gồm bãi rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) và 3 bãi chôn lấp ở các xã Ba (Đông Giang), Đông Phú (Quế Sơn) và Trà Sơn (Bắc Trà My); 14 bãi rác thủ công còn lại có quy mô diện tích dưới 0,5ha/bãi rác. Hiện cả tỉnh chỉ có một nhà máy sản xuất phân compost xử lý rác sinh hoạt tại phường Cẩm Hà (TP.Hội An) với công suất thiết kế 55 tấn/ngày. “Bất cập lớn trong xử lý rác thải tại các địa phương hiện nay là chưa phân loại rác thải tại nguồn triệt để, gây khó khăn lớn trong công tác xử lý chất thải rắn” - bà Hạnh nói.

UBND tỉnh vừa yêu cầu chính quyền địa phương cấp huyện gấp rút xây dựng công trình xử lý nước thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thu gom tách riêng nước mưa, nước thải, hệ thống xử lý nước thải; đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép trước khi thải ra môi trường. Đối với khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, phải có biện pháp quản lý các cơ sở sản xuất. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường, các địa phương triển khai quy hoạch quản lý chất thải còn chậm; nhiều điểm quy hoạch không còn phù hợp với tình hình phát triển. Trong khi đó, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cũng đang rà soát đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng của các làng nghề truyền thống, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải.

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 ngành tài nguyên và môi trường mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội để giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai hiệu quả. Rác thải chưa trở thành tài nguyên, công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2018 cần hoàn thành việc điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. “Cùng với hoàn thiện thể chế, cần tập trung quản lý cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, nông thôn, khu - cụm công nghiệp, đô thị, lưu vực sông, hồ, ven biển. Năm 2018 trọng tâm là bảo vệ môi trường ở nông thôn và làng nghề” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý. Ở phạm vi cấp tỉnh, năm 2018 Quảng Nam sẽ tiếp tục dành ngân sách đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng môi trường vùng, khu vực tập trung nhiều nguồn  thải, có nguồn thải lớn, khu vực nhạy cảm về môi trường...

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU