Phát triển rừng giổi xanh

TUỆ LÂM 27/10/2017 14:48

Với mục đích giúp bà con có thêm thu nhập, đồng thời tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã triển khai thực hiện đề án quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, việc phát triển rừng, đặc biệt là rừng cây giổi xanh, được người dân tích cực tham gia.

Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, để từng bước tăng cường độ che phủ của rừng trên địa bàn, cũng là cách để tạo sinh kế cho người dân bản địa, UBND huyện đã lập đề án trồng rừng, phục hồi rừng cây bản địa và bảo vệ rừng trên địa bàn triển khai từ năm 2016 đến nay. Qua hơn một năm thực hiện, người dân đã khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh với các loại cây như giổi, ươi, chò nâu, sao đen... “Đề án chú trọng vào việc khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản xuất các sản phẩm từ cây trồng như hạt giổi, gỗ giổi, hạt ươi, hạt quế  gắn với bảo vệ và phát triển rừng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô. Vì vậy, người dân rất đồng tình với chủ trương này” - ông Hải cho biết. Theo đó, hơn 2.500ha đất trống không có cây gỗ tái sinh tại các xã Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Nam, Trà Tập, Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh và Trà Mai sẽ được hỗ trợ các loại giống cây giổi, chò nâu, ươi, lim xanh, sao đen để trồng trên diện tích này.

“Theo kế hoạch, mỗi năm trồng 645ha, sau 4 - 5 năm, huyện sẽ hoàn thành kế hoạch. Đây cũng là thời gian các loại cây bắt đầu cho thu hoạch, nhất là loại cây giổi xanh” - ông Hải nói thêm. Bởi cây giổi xanh cho hạt khi đạt độ tuổi 5 năm, theo giá thị trường hiện nay, khoảng 1,5 triệu đồng/kg. “Mỗi cây đến độ ra hạt có thể cho hàng chục cân hạt giống, đấy là nguồn thu nhập rất lớn cho bà con. So với cây keo, cây giổi xanh đem lại hiệu quả cao hơn nhiều, lại giữ được rừng chứ không phải chặt đi” - ông Hải thông tin thêm. Hơn 2.000 cây giổi giống đã được cung cấp cho người dân trên địa bàn trồng và chăm sóc. Đến nay, diện tích rừng giỗi phát triển rất tốt, cao bằng đầu người. Theo ông Hồ Văn Hai ở thôn 4, xã Trà Leng, gia đình ông đã trồng cây giổi để thay thế cho những loại cây trồng khác, phát triển rất tốt. “Hy vọng trong tương lai không xa, nó sẽ đem lại cho gia đình  mình nguồn thu nhập ổn định” - ông Hai hồ hởi.

“Mục tiêu của đề án quản lý, bảo vệ rừng là vừa giữ được rừng, vừa tạo sinh kế, và thu nhập cho người dân địa phương. Ở Nam Trà My, ngoài cây sâm Ngọc Linh, người dân chủ yếu dựa vào các loại cây khác như chuối, quế và các loại cây dược liệu... Vì vậy, việc phát triển cây giổi là một hướng đi triển vọng, bởi nó tạo tán rừng, sau này có thể di thực cây sâm Ngọc Linh để trồng” - ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết. Theo đề án này, đối với các hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sẽ được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo, tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia trồng rừng cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi người dân tùy theo loại rừng trồng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hay khoanh nuôi, tái sinh rừng) sẽ có mức hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, khi tham gia trồng rừng, người dân sẽ có rất nhiều cơ hội để cải thiện được đời sống, kinh tế gia đình của mình.

TUỆ LÂM

TUỆ LÂM