Giữ rừng mùa khô

ALĂNG NGƯỚC 23/06/2017 08:59

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nguyên sinh an toàn trong mùa khô, huyện Nam Giang còn nỗ lực trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), đảm bảo không để tình trạng cháy rừng do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Lực lượng kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung tuần tra tại lâm phận quản lý nhằm giữ an toàn cánh rừng vào mùa khô. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lực lượng kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung tuần tra tại lâm phận quản lý nhằm giữ an toàn cánh rừng vào mùa khô. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chủ động dập “giặc lửa”

Xác định công tác giữ rừng, nhất là PCCCR là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong mùa khô, từ đầu năm nay, các cấp chính quyền huyện Nam Giang đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước “giặc lửa”. Theo ông Đinh Anh Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang, tình trạng nắng nóng kéo dài, với những đợt gió Lào khô khốc khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, câu chuyện giữ rừng vào mùa khô tiếp tục được địa phương chủ động từ rất sớm, cụ thể hóa bằng các biện pháp tối ưu. Ngoài xây dựng phương án ứng phó, địa phương đã lên kịch bản chi tiết, trong đó tập trung cho các vùng xung yếu dễ xảy ra cháy rừng hàng năm, bao gồm các xã Cà Dy, Ta Bhing, Chà Vàl và thị trấn Thạnh Mỹ. Tại các xã này, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương còn phối hợp với cán bộ thôn, bản xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR. “Tùy theo tình hình cụ thể tại các xã, chúng tôi tham mưu xây dựng các phương án quản lý bảo vệ và PCCCR phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời thành lập ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nhằm kịp thời chỉ đạo, cũng như điều hành công tác PCCCR đạt hiệu quả tốt nhất” - ông Tuấn cho biết thêm.

Cùng với dân quân tự vệ, lực lượng đoàn thanh niên tại các thôn, bản có vai trò nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động phối hợp bảo vệ và PCCCR theo tổ, đội quần chúng nhân dân địa phương. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể, các thành viên trong tổ, đội quần chúng này sẽ trực tiếp phối hợp với kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng để xây dựng phương án chung. Cũng theo ông Đinh Anh Tuấn, công tác PCCCR không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng kiểm lâm hay chính quyền các địa phương, mà trở thành trách nhiệm chung của toàn dân miền núi, đặc biệt là người dân tại các khu vực trọng yếu. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng cùng tham gia bảo vệ, PCCCR được xem là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở giúp người dân nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của rừng, cũng như các quy định của pháp luật về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo vệ, PCCCR hiện nay. Thực tế trong nhiều năm qua, bên cạnh tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp ở địa bàn dân cư, huyện Nam Giang cũng đã chủ động lồng ghép việc triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó, thu hút người dân tích cực tham gia hoạt động các dự án để cùng chung tay giữ rừng và chủ động trước những diễn biến phức tạp của thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài hàng năm.

Hạn chế nguy cơ cháy rừng

Ông Tơ Đêl Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl cho hay, dự lường trước những diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, hàng năm địa phương luôn chủ động phối hợp với các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án ứng phó nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trên địa bàn. Cùng song hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương còn xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ở cấp xã; vận động các hộ cam kết bảo vệ rừng, tránh để xảy ra tình trạng đốt nương làm rẫy gây cháy rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn. “Chúng tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR cho người dân trong các đợt họp thôn nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trước tài nguyên rừng. Trong đó, chúng tôi cũng xác định dựa vào vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng làng để làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con, giúp những cánh rừng ngày càng được gìn giữ xanh tươi” - ông Sơn chia sẻ.

Từ những đặc thù trong tập quán phát nương làm rẫy của đồng bào vùng cao nên chính quyền địa phương phải giám sát một cách chặt chẽ, ở cả thời điểm người dân phát dọn và đốt rẫy mùa. Tại nhiều địa phương, chính quyền quy định người dân đăng ký thời gian đốt nương rẫy để kịp thời theo dõi và cắt cử lực lượng giám sát, hướng dẫn, cũng như quản lý chặt chẽ việc đốt nương, làm rẫy theo quy hoạch cụ thể. Ngoài ra, các địa phương cũng trực tiếp vận động người dân làm đường ranh cản lửa bao quanh khu vực rẫy, đồng thời bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa phòng trường hợp đám cháy lan vào rừng, khiến gây hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra. Từ việc làm đầy trách nhiệm đó, những năm gần đây, tình trạng cháy rừng vào mùa khô trên địa bàn huyện Nam Giang đã giảm hẳn, ý thức quản lý bảo vệ rừng của đồng bào địa phương cũng được nâng lên rõ rệt, cùng chính quyền và lực lượng kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác PCCCR tại các lâm phận rừng phòng hộ, rừng thuộc khu vực vành đai biên giới. Dù vậy, trong thời gian được xem là cao điểm của mùa khô như hiện tại, nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao, vì thế các cấp chính quyền huyện Nam Giang cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các phương án ứng phó, để “lá phổi xanh” luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, vẹn nguyên.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC