Xử lý ghe thuyền lưu thông trên lòng hồ: Giơ cao đánh khẽ

TRẦN NGUYỄN 06/05/2016 08:33

Số lượng ghe thuyền “không số” lén lút chở gỗ lậu xuất hiện nhiều trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi song các biện pháp quản lý, ngăn chặn xem ra vẫn chưa đem lại hiệu quả cao.

Lòng hồ thủy điện Sông Tranh, Sông Bung 4, Đăk Mi, hay lòng hồ thủy lợi Phú Ninh, mấy năm gần đây tăng chóng mặt lượng ghe thuyền lưu thông. Thủy điện tích nước đồng nghĩa với việc nhấn chìm nhiều con đường dân sinh đi lại của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà từng thừa nhận, chưa có đường qua lại lòng hồ thủy điện canh tác, đồng bào dân tộc thiểu số buộc phải sử dụng ghe thuyền. Số vụ ghe thuyền tham gia chở gỗ lậu cũng đã phát hiện nhưng giải pháp ngăn chặn một cách triệt để thì gặp khó khăn. Có mặt trên lòng hồ thủy điện Đắc Mi (Phước Sơn) hay thượng nguồn thủy điện Sông Bung (Nam Giang) dịp cuối tháng 4, chúng tôi thấy ghe thuyền núp bóng trục vớt củi khô, hay đánh bắt cá hoạt động rầm rộ. Gỗ lậu cưa thành khúc (dạng củi), hoặc cắt thành lát nằm ngổn ngang dưới bến sông và trên bờ, các ghe thuyền công khai chở đi giữa ban ngày.

Theo thống kê của cơ quan kiểm lâm, đến nay có 257 ghe thuyền hoạt động ở các lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói chỉ có 16 phương tiện đã được cấp phép hoạt động, 12 phương tiện của các tổ chức, đơn phục vụ công tác, 94 phương tiện đã cho ký cam kết không vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, 59 chiếc vi phạm và không đảm bảo yêu cầu đã cho dừng hoạt động. Năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã tạm giữ 27 ghe thuyền vi phạm, tịch thu hơn 60m3 gỗ xẻ vận chuyển bằng đường thủy.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng gỗ lậu tuồn về xuôi bằng đường thủy có chiều hướng gia tăng, cho nên các chiến dịch kiểm tra mang quy mô cấp tỉnh đã tập trung ở một số vùng trọng điểm như lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, Đăk Mi, Khe Diên… để tìm giải pháp căn cơ. Khách quan mà nói, ở miền núi việc các ghe, thuyền phục vụ các hoạt động sinh kế của người dân là có thật nhưng các địa phương vẫn “rề rà” trong thống kê, đề xuất UBND tỉnh cho phép các phương tiện này được hoạt động, làm cơ sở để các lực lượng chức năng theo dõi, giám sát, quản lý. Ngành kiểm lâm nhìn nhận, do phối hợp liên ngành thiếu đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả. Nhiều ghe, thuyền hoạt động trong các hồ thủy điện, nhất là thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 5 nhưng xử lý thiếu cương quyết và triệt để.  Ông Trần Văn Thu - Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, ngay cả phương tiện phục vụ cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ở các lòng hồ thủy điện cũng còn thiếu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, xử lý. Các phương tiện ghe thuyền không đảm bảo các điều kiện lưu thông theo đúng pháp luật nhưng các địa phương vẫn chưa có hình thức xử lý dứt điểm.

Nhiều chỉ thị, cuộc họp về siết chặt quản lý phương tiện hoạt động trên các lòng hồ thủy điện nhưng nếu các địa phương cứ “giơ cao đánh khẽ” thì những cánh rừng tự nhiên sẽ tiếp tục bị săm soi, tàn phá.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN