Cam kết thôi, chưa đủ
Sự việc một cán bộ của Trung tâm Khuyến nông huyện Tây Giang khoe hình ảnh con chồn bay trên Facebook cá nhân của mình đã thu hút khá nhiều ý kiến. Hành vi “trêu đùa” trên sở dĩ đem ra bàn tán xôn xao vì nó đụng đến những góc khuất quá nhạy cảm về thái độ ứng xử, hành động bảo vệ thú rừng hiện nay.
Nhiều năm qua, UBND tỉnh, ngành kiểm lâm đã nỗ lực xây “ngôi nhà chung” cho các loài động vật quy hiếm bằng việc thành lập các khu bảo tồn... Năm nào, kiểm lâm cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống không tiêu thụ thịt thú rừng và gần đây giữa tháng 10, trên địa bàn TP.Tam Kỳ có 31 nhà hàng, quán ăn cam kết “đoạn tuyệt” với thịt thú rừng. Cho nên hình ảnh đem con chồn bay (một động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam) ra đùa trong lúc này chẳng khác gì tát “gáo nước lạnh” vào những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Với tư cách là người có trách nhiệm, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh tỏ ra rất bất bình khi nghe thông tin trên và chỉ đạo đơn vị vào cuộc. Chồn bay thuộc nhóm 1 - nhóm cấm khai thác dưới mọi hình thức, trừ việc khai thác để nghiên cứu. Theo ông, ngành vừa tổ chức hội nghị bảo vệ động vật hoang dã vừa xong thì lại xảy ra sự việc phản cảm này. Tuy nhiên, chính lời giãi bày rất thật của anh cán bộ khoe con chồn trên Facebook về việc bày bán thịt chồn khá phổ biến ở vùng cao Tây Giang cũng gợi nên nhiều điều suy ngẫm. Bởi, lâu nay giữa nỗ lực đấu tranh, cam kết thực hiện và hành động bảo vệ muông thú vẫn là khoảng cách chông chênh. Hành vi săn bắn, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, nhất là ở miền núi là thói quen không thể một sớm một chiều thay đổi. Phá rừng quy mô lớn thì đã có không ít người dính vòng lao lý, nhưng hy hữu lắm mới xử lý hình sự đối tượng đối xử “tàn bạo” với muông thú. Thậm chí vào dịp tết đến xuân về, thịt thú rừng bày bán công khai như thách thức luật pháp.
Trong hai năm (2014 - 2015), đã có hàng chục nghìn bẫy thú rừng ở miền núi bị lực lượng chức năng thu giữ. Tại các nhà hàng ở TP.Tam Kỳ không khó để có thịt thú rừng. Vậy vì sao những cơ sở này bán thịt thú rừng mà không sợ xử lý? Mỗi năm ngành kiểm lâm đều có con số cụ thể về tịch thu thịt rừng từ các quán nhậu, nhà hàng, nhưng nó chỉ như muối bỏ biển mà thôi. Điều đó lý giải vì sao các nhà hàng tái phạm liên tục vẫn không từ bỏ kinh doanh. Theo Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tại Việt Nam, trước kia loài hổ phân bố ở dãy rừng Trung Trường Sơn chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, có số lượng hổ trên 7 cá thể, nhưng hiện tại ước còn vài cá thể. Khoảng 10 năm trước đây, loài voọc chà vá chân xám, linh trưởng được phát hiện với hàng chục cá thể ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thì nay gần như kiểm lâm và người dân chưa phát hiện được cá thể nào sinh sống ở dãy rừng này. Các chuyên gia về bảo tồn dự báo, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sớm muộn gì rừng Trung Trường Sơn qua Quảng Nam sẽ bị tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Ngành kiểm lâm bắt buộc các hộ dân sinh sống gần khu vực rừng đặc dụng và các nhà hàng, quán ăn cam kết không khai thác, mua bán, kinh doanh, chế biến động vật rừng và các sản phẩm của chúng khi không có nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng, các chế tài xử lý của lực lượng chức năng dường như vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để nạn sát hại muông thú. Hiện nay, Bộ Tài nguyên - môi trường tiếp tục triển khai dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam”. Còn ở Quảng Nam, nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học, giải cứu động vật quý hiếm của các tổ chức phi chính phủ tài trợ đồng loạt triển khai, cùng với chế tài đủ mạnh của hành lang pháp lý..., hy vọng sẽ là cơ hội cho các loài muông thú thoát khỏi họng súng của giới thợ săn.
HỮU PHÚC