Gỗ lậu và xưởng cưa
Tiếp tay cho các kiểu khai thác và tiêu thụ gỗ lậu ở miền núi là hoạt động trá hình của các xưởng cưa. Vậy nên, việc sắp xếp, chấn chỉnh và kiểm soát các xưởng cưa cũng được xem là giải pháp cần thiết để giữ rừng tận gốc.
Có nhiều nẻo đường để tuồn gỗ lậu về xuôi, có nhiều “chiêu cước” hợp thức hóa gỗ không rõ nguồn gốc. Dường như những định chế, quy định của pháp luật vẫn chưa thể “đóng bít” các khe hở trong siết chặt đường đi của gỗ lậu. Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, bí mật đột nhập các xưởng xưa ở vùng cao Nam Trà My, các ngành chức năng của tỉnh phát hiện hầu hết cơ sở đều cất giấu và tiêu thụ gỗ rừng tự nhiên. Câu hỏi đặt ra, tại sao Trung ương, tỉnh quán triệt “đóng cửa” rừng gần 3 năm nay, song các loại gỗ quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam vẫn xuất hiện ở các cơ sở chế biến mộc gia dụng? Vì sao đã quy hoạch, khoanh định vùng cấm hoạt động nhưng các xưởng cưa vẫn ung dung tồn tại trong rừng phòng hộ, sát cửa ra vào rừng? Có vào khu rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc xã Trà Bui (Bắc Trà My) gần đây, mới thấy được sự “lợi hại” của các cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng. Nhiều loại gỗ xẻ thành phách theo quy cách tấm phản có đường kính cả mét nằm ngổn ngang. Các loại bàn ghế gia công từ các loại gỗ rừng tự nhiên, nếu đem về phố bán mỗi sản phẩm có giá trị tối thiểu hàng chục triệu đồng. Những cơ sở này, có được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh, tiêu thụ gỗ rừng tự nhiên? Chắc chắn là không, bởi luật định không cho phép, và tỉnh tuyệt đối không chủ trương.
Theo thống kê của ngành kiểm lâm, thời điểm này cả tỉnh có hơn 800 cơ sở sản xuất, chế biến mộc gia dụng. Trong đó, có hơn 40 cơ sở do các đơn vị, tổ chức đăng ký hoạt động, còn lại kinh doanh ở dạng hộ gia đình. Nhiều xưởng cưa nằm ngoài quy hoạch, hoạt động một cách tự do, nhưng các ngành và chính quyền địa phương gần như buông lỏng quản lý, không xử lý dứt điểm. Theo quy định pháp luật hiện hành, ngành chức năng chỉ tịch thu nguồn gốc gỗ không có xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng; còn gỗ đã ra thành phẩm, chế biến thành đồ gia dụng, hoặc đồ mộc mỹ nghệ… được xem như hợp pháp. Lợi dụng sự lơ là của lực lượng kiểm lâm, các xưởng cưa đã tiêu thụ gỗ lậu, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Thực tế là các đường dây buôn bán gỗ quy mô lớn đều có quan hệ mật thiết với cơ sở xẻ gỗ miền núi, trong khi việc kiểm tra, xử lý nguồn gốc gỗ tại các cơ sở này rất hạn chế.
Trước diễn biến phá rừng phức tạp ở các huyện miền núi, lãnh đạo tỉnh từng có nhiều văn bản chỉ đạo tạm ngừng hoạt động các xưởng cưa dọc các sông Vu Gia, Thu Bồn... để quy hoạch, sắp xếp lại cho phù hợp. Ngành điện sử dụng biện pháp ngưng bán điện cho các cơ sở xưởng cưa, xưởng mộc ở những “vùng cấm”. Song, do thực thi thiếu đồng bộ, quyết liệt, nên các cơ sở sản xuất, chế biến mộc gia dụng trá hình vẫn có “đất sống”. Và, chừng nào chậm sắp xếp, quy hoạch các xưởng cưa, cơ sở sản xuất, chế biến đồ mộc gia dụng thì khó nói đến việc bảo vệ rừng tận gốc!
TRẦN NGUYỄN