Cần siết chặt quản lý, bảo vệ rừng

TRẦN NGUYỄN 27/03/2015 10:06

Tại cuộc họp trực tuyến về nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng năm 2015 do UBND tỉnh tổ chức sáng qua 26.3, các địa phương và ngành chức năng báo động tình trạng phá rừng vùng giáp ranh, khu vực lòng hồ thủy điện diễn biến phức tạp.

Gỗ trái phép nằm ở bờ hồ thủy điện Sông Bung. Ảnh: T.N
Gỗ trái phép nằm ở bờ hồ thủy điện Sông Bung. Ảnh: T.N

Lại phá rừng để… trồng rừng

Trong khi chính quyền huyện Bắc Trà My rơi vào trạng thái “đuối sức” trong bảo vệ các bãi khoáng sản thiếc ở các xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang thì cùng lúc lại đối mặt với “làn sóng” xâm hại rừng vùng giáp ranh giữa địa phương với các huyện Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Hiệp Đức. Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, tại khu vực xã Trà Đông giáp ranh với các xã Tiên An, Tiên Lập (Tiên Phước), người dân thường phá hoại rừng vào ban đêm, chủ yếu để lấy đất trồng lại rừng sản xuất. Mới đây, 11 hộ đồng bào Co (xã Tiên An) san ủi trái phép gần 0,3ha rừng. Giai đoạn 2012 - 2014, gần 68ha rừng trên địa bàn huyện Bắc Trà My bị tàn phá để mở rộng xâm canh trái phép. “Nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra phức tạp, chưa thể kiểm soát hết” - ông Nhuần thừa nhận. Còn chính quyền huyện Đông Giang cho rằng, nhiều vụ phá rừng vùng giáp ranh với TP.Đà Nẵng kéo dài dai dẳng, chưa xử lý dứt điểm. Trong khi đó, ở huyện Nam Giang các phương tiện ghe thuyền qua lại lòng hồ lợi dụng chở gỗ lậu bỗng tăng đột biến. Ngành kiểm lâm đã “điểm mặt” nhiều cung đường đưa gỗ quy mô lớn về xuôi, tập trung giữa ranh giới các huyện Nông Sơn - Phước Sơn, Đông Giang - Nam Giang, Phước Sơn - Hiệp Đức, Đông Giang - Hòa Vang… Đỉnh điểm về tình trạng phá rừng lấy đất làm nương rẫy, trồng keo nguyên liệu là thời điểm năm 2014, điển hình như Tiên Phước bị xâm hại gần 42ha, Hiệp Đức gần 50ha, Đại Lộc hơn 12ha, Bắc Trà My 6ha, Duy Xuyên 5,6ha… Nguyên nhân chính “chảy máu rừng”, theo UBND tỉnh, chính quyền các địa phương miền núi và các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu và ngăn chặn triệt để.

Năm 2014, lực lượng chức năng xử lý 1.225 vụ liên quan đến phá rừng, khởi tố 23 vụ hình sự; tịch thu gần 1.400m3 gỗ các loại, 40 xe ô tô, mô tô cùng nhiều phương tiện, dụng cụ trái phép. Ngoài ra, có 198 lán trại, 8 xe múc, 175 máy nổ có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng phục vụ cho tận thu khoáng sản trái phép tại các địa phương đã bị phá hủy. Riêng thời điểm trước, trong và sau Tết Ất Mùi, lực lượng kiểm lâm tịch thu hơn 169m3 gỗ, tạm giữ 8 ô tô, 18 xe máy, phát hiện gần 45ha diện tích rừng bị xâm hại…

Thời điểm trước, trong và sau tết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành kiểm lâm huy động tổng lực giữ rừng, tuần tra liên tục trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14D,14E,14B,14G,14B, tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn và các lòng hồ thủy điện. Thế nhưng, lợi dụng sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng phá rừng trái phép diện tích hơn 44,8ha, lâm tặc vẫn ngang nhiên vận chuyển và tiêu thụ gỗ trái phép. Ngày 16.3, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) và Hạt Kiểm lâm Núi Thành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Hiếu Lực (đóng xã Tam Hiệp, Núi Thành) thì phát hiện cơ sở này cất giấu hơn 37m3 gỗ xẻ không hồ sơ hợp pháp. Ngày 9.3, lực lượng chức năng phát hiện tại tiểu khu 654, xã Phước Hòa (Phước Sơn) có 14,6ha rừng phòng hộ bị tàn phá. Trước đó, trên tuyến quốc lộ 14B, thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn (Đại Lộc), kiểm lâm đã bắt giữ ô tô tải mang BKS 81M-0508 vận chuyển hơn 7,1m3 gỗ trái phép. Công an tỉnh cho biết, dịp trước, trong và sau tết, lực lượng công an xử lý 8 vụ phá rừng nghiêm trọng với hơn 71m3. Chính quyền các huyện Tiên Phước, Núi Thành cho hay, tình trạng lén lút xâm hại rừng phòng hộ để lấn chiếm, mở rộng diện tích trồng rừng không có dấu hiệu giảm mà gia tăng. Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhìn nhận, phá rừng liên miên, kiểm soát không được do lâu nay không thể giữ rừng tại gốc được.

Đáng lo ngại

Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, hiện rất khó ngăn chặn nạn xâm hại lấn đất rừng ở Tiên Phước, Núi Thành và một số huyện miền núi khác. Thời gian sớm nhất, ngành kiểm lâm sẽ có văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm tài sản cây trồng trên đất không có chủ. Về nguyên nhân bùng phát phá rừng trở lại, theo ông Tuấn, do áp lực về nhu cầu tiêu thụ gỗ lớn, lợi nhuận từ khai thác gỗ và khoáng sản quá lớn nên các đối tượng ồ ạt, lôi kéo vào phá rừng tự nhiên. Thêm vào đó, sự ra đời hàng loạt nhà máy chế biến, tiêu thụ gỗ nguyên liệu cần nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Thực tế vùng giáp ranh bị cày nát do năng lực giữ rừng của chủ rừng rất hạn chế. “Riêng vùng giáp ranh, ngành sẽ tăng cường lực lượng phá các “điểm nóng” phát sinh mới, rà soát lại công tác phối hợp tuần tra, truy quét giữa các địa phương. Quan điểm nhất quán là cương quyết thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép, phá bỏ các loại cây trồng, những công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm trái phép” - ông Tuấn nói. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Huỳnh Tấn Đức, trước mắt sớm xây dựng quy chế xử lý rừng vùng giáp ranh, cấm tuyệt đối mọi hình thức qua lại lòng hồ thủy điện bằng đường thủy, trừ các cơ quan thực thi nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, muốn giữ rừng tận gốc, sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ cắm mốc 3 loại rừng, ký kết liên tịch với các địa phương vùng giáp ranh giữa Quảng Nam với các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và TP.Đà Nẵng, giáp ranh giữ các huyện trong tỉnh với nhau. Mặt khác, phải trồng rừng thay thế những diện tích rừng bị mất, chi trả nhanh dịch vụ môi trường rừng cho người dân hưởng lợi. “Thực tế dù đã hỗ trợ đầu tư nhiều nguồn lực cho phát triển rừng, nhưng các địa phương miền núi vẫn chưa có bước chuyển tích cực, phải xem lại trách nhiệm của các chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ” - ông Đức nói.

Nhìn lại thực trạng phá rừng năm qua, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn là đáng lo ngại và cần có những giải pháp mang tính căn cơ hơn. Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng năm 2015 của tỉnh là chỉ đạo các địa phương có dự án thủy điện hoạt động thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 2.2.2015 của UBND tỉnh về siết chặt sử dụng các phương tiện ra vào lòng hồ để khai thác lâm, khoáng sản trái phép; tuyệt đối không để xảy ra “điểm nóng” phá rừng. Ngoài ra, cần kiện toàn, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm giai đoạn 2014 - 2020. “Các đơn vị liên quan cần xử lý mạnh tay các vụ phá rừng, lấn rừng để trồng rừng. Sắp tới, sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch và thành lập mới các khu rừng đặc dụng, bảo tồn và phát triển vốn rừng bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN