Nạn phá rừng giảm mạnh
Ngoại trừ vụ phá rừng quy mô lớn vừa xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn) với xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn) và khu vực rừng đầu nguồn Duy Sơn (Duy Xuyên), thì số vụ xâm hại rừng trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 9 tháng đầu năm, ngành phát hiện, xử lý 660 vụ vi phạm liên quan đến xâm hại rừng xảy ra ở các địa bàn trọng điểm như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, các khu rừng phòng hộ Phú Ninh, Nam Sông Bung... Theo đó, hơn 900m3 gỗ các loại bị tịch thu, 53,4ha rừng bị tàn phá, cơ quan chức năng khởi tố hình sự đến 10 vụ án. Tuy nhiên, so với cùng kỳ của năm 2013 thì đã giảm 293 vụ vi phạm rừng (giảm bằng 69,3%). Phòng Quản lý – bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) khẳng định, con số trên là đáng tin cậy. Bởi, việc “đóng cửa” rừng được tuân thủ nghiêm ngặt, trách nhiệm quản lý lâm phận đã được giao về cho địa phương và chủ rừng rõ ràng hơn. Mô hình quản lý, bảo vệ rừng bước đầu đem lại hiệu quả, cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đầu tư cho công tác bảo vệ rừng bền vững.
Tuần tra rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: T.N |
Các dự án, chương trình, kế hoạch hành động bảo vệ “vành đai xanh”, bảo tồn đa dạng sinh học đã triển khai đồng bộ tại miền núi. Điểm sáng là người dân đã thay đổi nhận thức về bảo vệ rừng theo chiều hướng tích cực. Chỉ thời gian ngắn, các địa phương miền núi đã thành lập 204 tổ bảo vệ rừng tại 26 xã trọng điểm; quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 133.722ha, bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao la, Ngọc Linh, Voi Nông Sơn… Đặc biệt, chính quyền hai huyện giáp ranh Phước Sơn, Nam Giang đã có hợp tác kiểm soát chặt chẽ các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã; phân loại các vùng rừng ưu tiên để có kế hoạch bảo tồn sinh thái một cách hữu hiệu. Trong khi đó, nằm trong kế hoạch dự án bảo vệ và phát triển rừng, các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu thiết kế trồng rừng đúng tiến độ. Trong 9 tháng đầu năm, các ban quản lý rừng phủ xanh gần 1.000ha rừng trồng sản xuất và phòng hộ. Cạnh đó, ngành kiểm lâm còn đôn đốc một số đơn vị trực thuộc như Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn thực hiện trồng 70ha rừng thay thế ở những diện tích được chuyển mục đích sử dụng làm mất rừng. Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ngoài việc tiếp tục cài cắm kiểm lâm ở cơ sở, ngành ráo riết siết chặt công tác quản lý địa bàn, nâng cao vai trò trách nhiệm của các chủ rừng, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các vụ xâm hại, lấn chiếm trái phép đất rừng.
Trong tháng 9.2014, UBND tỉnh phê duyệt phương án kiểm kê rừng với mục đích xác định chính xác toàn bộ diện tích rừng, trữ lượng rừng, diện tích đất chưa có rừng theo trạng thái rừng, nguồn gốc rừng và mục đích sử dụng của từng chủ rừng, từng đơn vị hành chính và đơn vị quản lý rừng để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng gồm cả bản đồ và số liệu, cả dạng số và dạng bản giấy theo tiêu chí và tiêu chuẩn thống nhất để phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm.
TRẦN NGUYỄN