Bảo vệ ươi rừng

NGUYỄN VĂN BÌNH 08/07/2014 09:57

Tại làng Tắk Nầm, thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, người Ca Dong đã liên kết bảo vệ rừng ươi, không cho người lạ vào rừng chặt hạ hái quả, tổ chức cho dân làng cam kết khai thác theo kiểu truyền thống.

  • Nam Trà My: 8 người chết và bị thương do hái ươi
  • Siết chặt quản lý khai thác ươi
  • Nam Trà My: Đổ xô tận diệt rừng ươi
  • Triển khai các biện pháp cấp bách quản lý và bảo vệ cây ươi
  • Tan nát rừng ươi
  • Ào ạt khai thác hạt ươi
  • Bảo vệ cây ươi
Ươi rừng ra quả đỏ rực bạt ngàn tại núi Oăn Tík (xã Trà Don). Ảnh: V.BÌNH
Ươi rừng ra quả đỏ rực bạt ngàn tại núi Oăn Tík (xã Trà Don). Ảnh: V.BÌNH

Liên kết giữ rừng

Làng Tắk Nầm nằm dưới chân dãy núi Oăn Tík và núi Leo, thuộc các tiểu khu 868 và 871, với diện tích rừng phòng hộ hơn 264ha. Làng hiện có 45 hộ dân, hơn 230 nhân khẩu, hầu hết là người Ca Dong, phần lớn là hộ nghèo nhưng dân làng rất đoàn kết, an ninh trật tự làng nóc luôn được giữ vững. Nhất là trong công tác quản lý bảo vệ rừng, dân làng rất chú trọng, xem đó là bảo vệ nguồn sống. “Giữ rừng là giữ cho chính dân làng, giữ nguồn nước, giữ con thú, cây cối cho mình và cho con cháu sau này. Nhà nước đã giao cho dân làng quản lý, bảo vệ các tiểu khu 868, 871 và chi trả kinh phí hỗ trợ, lại còn cho phép dân làng thu lâm sản phụ trong rừng như đót, mây và bây giờ là thu hái quả ươi. Dân làng rất có lợi nên phải chung tay, ra sức giữ rừng” - già làng Nguyễn Văn Liêm nói.

Năm nay, ươi rừng ra quả nhiều chưa từng có, giá bán ra thị trường lại khá cao nên thu hút nhiều người vào rừng hái quả. Núi Oăn Tík và núi Leo có số lượng ươi rừng nhiều nhất nhì tại vùng núi Trà My, được xem là “vựa” trái với số lượng cây ươi ra quả mùa này lên đến hàng nghìn. Từ quốc lộ 40B, qua địa phận Tắk Nầm, mọi người đều dễ dàng nhận thấy rừng ươi ra quả bạt ngàn, đỏ rực, trông như bức tranh thủy mạc và cuốn hút người dân tứ xứ đột nhập vào bên trong để khai thác trái phép. Để bảo vệ được rừng ươi, Chi bộ thôn 3, trưởng thôn, già làng và nhóm trưởng quản lý bảo vệ rừng đã họp bàn thống nhất, thống kê toàn bộ số lượng khoảng gần 200 người của 45 hộ dân trong làng có thực lực tham gia đi khai thác ươi. Chốt danh sách đăng ký với xã và được kiểm lâm sở tại xét duyệt cho phép tham gia khai thác theo kiểu truyền thống là chỉ thu lượm ươi chín rụng, tuyệt đối không được đốn hạ hoặc mé nhánh. Đồng thời liên kết bảo vệ, nghiêm cấm không cho người lạ xâm nhập vào rừng, đốn hạ khai thác trái phép.

Ngay từ giữa tháng 6, trong khi ở các địa bàn có ươi khác như khu vực tháp năm tầng xã Trà Mai, các khu rừng già tại Trà Dơn, Trà Leng và huyện Bắc Trà My, quả ươi rừng mới già, cây ươi đã bị người từ tứ xứ đổ xô vào ồ ạt đốn hạ tan hoang để hái quả thì ươi rừng tại núi Oăn Tík và núi Leo được dân làng Tắk Nầm bảo vệ nghiêm ngặt. Hàng chục lối ra vào rừng tại đây luôn có người luân phiên canh giữ, không cho người lạ xâm nhập. Khi gặp người lạ hung hăng, gây sự, cố ý tìm cách vào rừng, dân làng báo ngay cho công an, dân quân địa phương và kiểm lâm phụ trách địa bàn đến để xử lý, kiên quyết đẩy đuổi ra khỏi địa bàn. Ông Lê Xuân T., một người chuyên khai thác ươi ở xã Trà Tân huyện Bắc Trà My cho hay, bản thân ông đi khai thác từ khi ươi mới già cho tới nay, hầu như khu rừng nào ông cũng đã xâm nhập hái quả theo hình thức đốn hạ cây để thu lượm. Theo ông T., đến nay phần lớn các cánh rừng ở Nam - Bắc Trà My có ươi cho quả cơ bản đã được người khai thác ươi “giải quyết xong”. Ngoại trừ khu vực rừng ở Tắk Nầm, ông và nhiều người khác đã lén lút xâm nhập nhưng đều bị dân sở tại phát hiện, đẩy đuổi với thái độ rất cứng rắn.

Cộng đồng hưởng lợi

Đến cuối tháng 6 đầu tháng 7 này, khi ươi rừng chín, dân làng Tắk Nầm tổ chức lượm quả ươi bay rụng hoặc leo lên rung cành hay dùng dây thừng buột vào ngọn, các nhánh để rung lắc làm cho ươi chín rụng rồi thu lượm. Theo ông Đinh Văn Hiếm - một người dân làng Tắk Nầm, là nhóm trưởng quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 868 và 871, khoảng một tuần nay, lượm quả và rung cây lượm quả ươi chín, bình quân một hộ dân (có từ hai đến ba người đi khai thác) mỗi ngày thu được 12 - 15kg ươi khô bay rụng. Ươi dân làng thu được đều là ươi loại 1 (ươi chín khô, bay rụng), thương lái rất chuộng và mua với giá 150 nghìn đồng/kg. Do vậy, mỗi người có thu nhập hơn 700 nghìn đồng/ngày; có người nhặt nhiều, thu nhập trong ngày lên đến tiền triệu. Cũng theo ông Hiếm, từ đầu mùa tới nay, dân làng Tắk Nầm thu được khoảng 8 tấn ươi, tương đương với hơn 1,2 tỷ đồng, tức là mỗi hộ có thu nhập bình quân khoảng 26 triệu đồng. Dân làng rất phấn khởi và đang dốc sức bảo vệ rừng ươi để tiếp tục thu lượm lâu dài.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng trạm Kiểm lâm liên ngành đóng tại xã Trà Nam (trực tiếp quản lý địa bàn 2 xã Trà Nam và Trà Don), trách nhiệm chủ rừng mà trực tiếp là cộng đồng dân cư tại làng Tắk Nầm đã được phát huy tích cực. “Tại làng Tắk Nầm, mé nhánh ươi hái quả cũng bị dân làng cấm chứ nói chi đến việc đốn hạ cây. Người trong làng lở mé nhánh là bị kiểm điểm ngay, nên rừng ươi ở đây hầu như còn nguyên vẹn. Nếu chủ rừng ở các địa bàn khác cũng thực hiện giữ ươi như vùng này thì rừng ươi năm nay sẽ được bảo vệ rất khả quan” - ông Bình chia sẻ. Ông Nguyễn Xuân Tấn - Chủ tịch UBND xã Trà Don cho biết, ươi được mùa lại được giá, nhiều cán bộ của xã cũng tham gia thu lượm với dân làng Tắk Nầm vừa để cải thiện thu nhập vừa trực tiếp “chỉ huy” giám sát dân làng kiểm soát, bảo vệ cây ươi khỏi bị người lạ đốn hạ, khai thác trái phép. Sản lượng quả ươi chín bay rụng ở khu này rất lớn, khả năng lên đến 30 tấn, dân làng có thể thu lượm liên tục trong 10 ngày sắp tới nữa mới kết thúc và đây là nguồn thu nhập cải thiện chưa từng có cho bà con. “Giữ được rừng, thu nhập người giữ rừng lại được cải thiện là chuyện rất đáng mừng. Sắp tới, xã sẽ đề nghị huyện và ngành kiểm lâm biểu dương, khen thưởng mô hình giữ rừng ươi của dân làng Tắk Nầm. Đồng thời xem xét miễn thuế tài nguyên, trả tổng nguồn thu thuế (theo mức quy định hiện hành 7.000 đồng/kg ươi thu từ thương lái mua ươi của dân làng Tắk Nầm đã khai báo xuất ra khỏi địa bàn) về cho dân làng để bà con có điều kiện đầu tư thêm vào các công trình phúc lợi dân sinh, khuyến khích người dân tiếp tục giữ rừng bền vững” - ông Tấn cho hay.

Người khai thác ươi trái phép bị đẩy đuổi, không thể xâm nhập vào “vựa” ươi tại làng Tắk Nầm. Ảnh: V.BÌNH
Người khai thác ươi trái phép bị đẩy đuổi, không thể xâm nhập vào “vựa” ươi tại làng Tắk Nầm. Ảnh: V.BÌNH

Siết chặt quản lý khai thác hạt ươi

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tại nhiều địa phương miền núi của tỉnh như Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn đã xảy ra tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Bình... ồ ạt vào rừng chặt hạ cây ươi để lấy hạt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và tính mạng của người dân. Đã có nhiều trường hợp người dân chặt hạ cây ươi bị đè chết, bị thương, riêng tại Nam Trà My có 3 người chết và 5 người bị thương. Đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý hơn 70 vụ khai thác cây ươi, vận chuyển hạt ươi trái phép, thu giữ hơn 7 tấn hạt ươi, nhiều ô tô, mô tô, máy cưa các loại và nhiều dụng cụ khác.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác cây ươi trái phép, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu sở, ban ngành và địa phương liên quan triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ, khai thác cây ươi trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, đặc biệt là các địa phương đang là trọng điểm về tình trạng chặt phá cây ươi cần quyết liệt thực hiện những giải pháp bảo vệ cây ươi. Tại các địa bàn trọng điểm đang xảy ra tình trạng chặt phá cây ươi, cần lập ngay phương án tổ chức truy quét, đẩy đuổi đối tượng xâm nhập đưa dụng cụ, phương tiện vào rừng chặt hạ ươi trái phép. UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các ban quản lý rừng duy trì hoạt động truy quét tại các khu vực trọng điểm xảy ra tình trạng chặt cây ươi; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hạt ươi trên các tuyến giao thông và các trạm barie. Ngành quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán, tàng trữ, kinh doanh hạt ươi trái phép để góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội tại các địa phương. (T.V)

NGUYỄN VĂN BÌNH

NGUYỄN VĂN BÌNH