Giao đất, giao rừng: Gắn quyền lợi với trách nhiệm
Việc sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý rừng, lâm trường, giao khoán rừng cho các hộ, cá nhân thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển vốn rừng. Tuy nhiên, vì triển khai thiếu đồng bộ, không thống nhất, nên nhiều nơi rừng chỉ có chủ trên… giấy tờ.
Việc giao rừng cho cá nhân, hộ và tổ chức cần cắm mốc thực địa phạm vi ranh giới. Ảnh: BÍCH HẠNH |
Giao đất nương rẫy cho đồng bào nghèo
Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt các đề án điều chỉnh mở rộng lâm phận và sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn, Sông Tranh, Đắc Mi và thành lập mới 2 ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung. Theo đó, có 487.430ha rừng Quảng Nam có chủ, chiếm 67,71% tổng diện tích đất lâm nghiệp và 46,7% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, giao cho các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ 351.078ha (chiếm gần 49% diện tích đất lâm nghiệp), hộ, cá nhân 117.999ha (chiếm hơn 16% diện tích đất lâm nghiệp) và các tổ chức khác 18.353ha. Khi xác định diện tích được giao, các chủ rừng sẽ hưởng lợi dịch vụ chi trả môi trường theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2011 đến nay, các nhà máy thủy điện, đơn vị liên quan buộc phải chi trả hơn 100 tỷ đồng cho các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, nhóm hộ, hộ, cá nhân...
Theo ngành nông nghiệp, điểm nhấn là các địa phương miền núi, đặc biệt các huyện hưởng Chương trình 30a như Phước Sơn, Tây Giang và Nam Trà My đã chủ động triển khai giao đất, giao rừng, canh tác nương rẫy cho các hộ, cá nhân trên địa bàn. Nhờ thế mà phần nào kiểm soát, quản lý tốt các loại rừng. Đơn cử, đến nay tại huyện Phước Sơn, ngành kiểm lâm đã thống kê được gần 3.200ha đất nương rẫy cũ và khoanh vùng mới hơn 1.800ha đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp vào hoạt động sản xuất nương rẫy của đồng bào. Thêm nữa, địa phương đã giao khoán rừng cho 611 hộ ở các xã Phước Kim, Phước Hòa, Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Thành và thị trấn Khâm Đức bảo vệ hơn 15.388ha rừng. Tương tự, tại 10 xã thuộc huyện Tây Giang tiến hành đo đạc, lập hồ sơ thủ tục giao cho 56 cộng đồng làng với tổng diện tích hơn 41.923ha rừng để quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, diện tích giao cho hộ chỉ gần 7.000ha (chiếm hơn 8,2% tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn huyện Tây Giang). Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khi xác định được phạm vi, diện tích quản lý, sử dụng và bảo vệ, ban quản lý rừng, hộ, cá nhân sẽ có trách nhiệm rõ ràng hơn với quyền lợi được hưởng.
Cần cắm mốc thực địa
Vì việc giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý kém hiệu quả, nên các địa phương miền núi đã thu hồi một số diện tích. Cộng đồng dân cư từ quản lý 160.540ha rừng hiện chỉ còn 13.790ha. Đánh giá về kết quả giao đất, giao rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thừa nhận, nhiều nơi diện tích giao cho chủ rừng và người dân có độ chênh nhất định trên bản đồ và thực địa. Diện tích rừng và đất rừng giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, cộng đồng dân cư chỉ mới dừng lại ở khâu thủ tục hồ sơ, chứ chưa cắm mốc ngoài thực địa. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - ông Phan Tuấn phân tích, vì cơ chế hưởng lợi từ công tác quản lý, bảo vệ rừng của người dân chưa cụ thể, rõ ràng, trong khi đời sống khu vực miền núi còn nghèo nên họ không tha thiết với việc giữ rừng. Bất cập ở chỗ, một số diện tích rừng có chủ song vẫn xảy ra tình trạng phát rừng làm rẫy, vận chuyển gỗ trái phép. Nhiều thôn thành lập tổ đội bảo vệ, quản lý rừng, song hoạt động không hiệu quả và còn mang tính hình thức do thiếu kinh phí hoạt động, địa vị pháp lý còn mơ hồ. “Điều cốt yếu, trách nhiệm của chủ rừng, người dân vẫn còn chung chung, nhu cầu về sử dụng đất và bảo vệ rừng chưa thật sự tác động tích cực đến đời sống của đồng bào. Điều tra, quy hoạch, đánh giá chất lượng rừng để làm cơ sở cho việc giao rừng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn do không có kinh phí thực hiện” - ông Phan Tuấn nói.
Nghiên cứu, khảo sát độc lập về thực trạng giao đất giao rừng ở miền núi Quảng Nam, Trung tâm Phát triển sáng kiến môi trường và cộng đồng - C&E (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã từng chỉ ra nhiều điểm không gặp nhau giữa văn bản pháp lý với thực tiễn. Ví như, Nhà nước quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của cộng đồng thôn, bản khi được giao đất rừng để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh nhưng không thể triển khai được. Bởi lẽ, trước khi giao không xác định được trạng trái rừng giàu - nghèo như thế nào. Về pháp lý, thì cộng đồng chưa được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất.
Về giải pháp thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm đề nghị giao đất phải gắn liền với cắm mốc thực địa. Sau khi giao đất, giao rừng cần tiếp tục hỗ trợ người dân củng cố các quyền đã được xác lập. Xây dựng quy ước quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức giám sát, kiểm tra và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời cần có những hỗ trợ từ bên ngoài cho người dân đầu tư vào rừng được giao, đặc biệt là cho những hộ thiếu vốn và nhân lực.
BÍCH HẠNH