Bất lợi vụ nuôi tôm mới

VIỆT NGUYỄN 12/02/2020 10:50

Theo lịch mùa vụ được Sở NN&PTNT ban hành, nuôi tôm nước lợ vụ 1.2020 ở vùng triều ven sông chính thức bắt đầu từ hôm qua (10.2). Tuy nhiên, hầu hết nông hộ đều thả nuôi sớm, gây nên nhiều bất lợi.

Người dân thôn Kim Đới cải tạo lại ao để bắt đầu vụ 1 nuôi tôm nước lợ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân thôn Kim Đới cải tạo lại ao để bắt đầu vụ 1 nuôi tôm nước lợ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nuôi trước lịch

Nhiều ao nuôi của các nông hộ trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này đã có tôm thẻ chân trắng sinh trưởng được chừng 1 tháng. Ông Trịnh Huy Thọ (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, đã bắt đầu thả nuôi tôm thẻ chân trắng từ tháng 1. Trên ao nuôi có diện tích 1.200m2 ở ven sông Trường Giang đoạn chảy qua địa bàn, ông Thọ thả nuôi 12 vạn giống tôm thẻ chân trắng. Đến nay, tôm chậm phát triển vì thời tiết diễn biến thất thường.

“Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch rất lớn, giữa khuya thời tiết lạnh đột ngột nên tôm giảm sức đề kháng. Dù chúng tôi bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn để tăng sức miễn dịch cho tôm nuôi nhưng chúng yếu ớt, thường hay biếng ăn. Nguồn nước dù lấy ngầm trong lòng đất nhưng độ mặn chưa đủ nên ảnh hưởng đến phát triển của tôm giống” - ông Thọ nói. 

Ở thôn Kim Đới, nhiều hộ dân đang cải tạo ao nuôi để bắt đầu lại vụ 1 nuôi tôm sau khi thả nuôi trước lịch đã chết vì bệnh. Ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 60ha. Đến nay, các nông hộ đã thả nuôi trước lịch 30ha. Tôm giống được nông hộ thả nuôi chủ yếu ở cỡ 12, nhỏ hơn khá nhiều với cỡ thông thường là 14. Do thời tiết biến động mạnh từ đầu năm 2020 đến nay nên tôm chết do nhiễm bệnh.

“Chỉ sợ tôm chết nhiều lan thành dịch sẽ rất khó khống chế. Nuôi tôm trên địa bàn đến nay vẫn manh mún, nông hộ không xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường nên nguy cơ lây lan thành dịch bệnh là rất lớn” - ông Nho nói.

Ở khắp các thôn của xã Bình Nam (Thăng Bình) như Đông Tác, Nghĩa Hòa, Phương Tân, người nông dân cũng đã thả nuôi tôm trước lịch từ khoảng 1 tháng nay. Ông Cao Xuân Thái (thôn Phương Tân) - hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên 10.000m2 mặt nước cho biết: “Tôm sinh trưởng rất èo uột dù cho chúng tôi sử dụng các thương hiệu thức ăn nuôi tôm nổi tiếng. Không biết tôm giống có đảm bảo chất lượng không dù cho trước khi mua, chúng tôi được chủ cơ sở cung cấp đầy đủ giấy kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ” - ông Thái nói.

Theo ông Võ Đình Thanh - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Bình Nam, trên địa bàn có 120ha nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Đến nay, số diện tích thả nuôi tôm trước lịch là hơn 20ha. “Năm nào, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng khuyến cáo nông hộ nuôi tôm đúng lịch để hạn chế rủi ro nhưng bất lực vì không có chế tài nào xử phạt. Người dân nuôi tôm trước lịch vì cho rằng nguồn nước khi có ít hộ dùng sẽ đảm bảo hơn và nếu nuôi thành công, tôm sẽ có giá rất cao do nguồn cung không dồi dào” - ông Thanh nói.

Còn bất cập

Theo ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Thăng, người nuôi tôm không tuân theo lịch mùa vụ có nguyên nhân từ bất cập của chính sách. Cụ thể, thực tế nuôi tôm có xảy ra tình trạng một số nông hộ thả nuôi tôm trước lịch thành công, thu được lợi nhuận lớn. Trong khi đó, các nông hộ nuôi đúng lịch không được Nhà nước hỗ trợ khi bị dịch bệnh dù cơ chế, chính sách ban hành đã nhiều năm qua.

“Quảng Nam từ nhiều năm qua không công bố dịch bệnh trên tôm nuôi nên các mức hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP không được tiến hành” - ông Chương nói. Cụ thể, các mức hỗ trợ 4 - 6 triệu đồng/ha nếu nông hộ thiệt hại hơn 70% hay được hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/ha nếu thiệt hại 30 - 70% do thiên tai gây ra vẫn chưa được thực hiện.

Ông Lê Văn Tại - cán bộ thủy sản của UBND xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết thêm, thực tế ở mỗi năm nuôi tôm, số lượng nông hộ tuân thủ lịch mùa vụ nhiều hơn nông hộ “phá rào” nuôi tôm trước lịch. Đối với nông hộ tuân thủ các quy trình kỹ thuật nuôi tôm đã được hướng dẫn, thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa hạn chế thiên tai cho tôm nuôi, chính quyền địa phương đã xác nhận rõ ràng nhưng khi dịch bệnh xảy ra, các nông hộ đó không được hỗ trợ theo cơ chế hiện hành. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông hộ “tự ý” nuôi tôm, không cần lịch mùa vụ mà dựa vào khả năng “đọc” thời tiết của họ. 

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, trước, trong và ngay sau khi vụ 1 nuôi tôm nước lợ bắt đầu, các địa phương có nghề nuôi tôm nước lợ cần thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực hiện thả giống của nông hộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nuôi tôm; đồng thời hỗ trợ nông hộ chủ động phòng chống dịch bệnh nuôi tôm để đảm bảo vụ nuôi thành công. Đối với các nông hộ, cần tuân thủ quy định nuôi tôm nằm trong vùng đã được quy hoạch. Nông hộ cần bố trí ao chứa lắng, ao xử lý nước thải để xử lý tốt nguồn nước, đảm bảo ổn định môi trường nước nuôi tôm.

“Tôm nuôi phải là tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tôm giống cần được thả đúng mùa vụ, đúng mật độ, kích cỡ. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn nuôi và thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam” - bà Tâm khuyến cáo.

VIỆT NGUYỄN