Nghề chủ lực khai thác hải sản gặp khó
Các nghề khai thác hải sản chủ lực của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang gặp khó, tuy nhiên các giải pháp tháo gỡ chưa cho thấy hiệu quả vào thời điểm này.
Nhiều khó khăn
Mới đây, ngư dân Nguyễn Văn Vũ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90190 cập bờ bán hải sản sau gần 20 ngày sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa với nghề lưới vây. Anh Vũ cho biết, với 5 tấn cá ngừ, cá nục bán được, chia mỗi bạn biển vài triệu đồng, còn chủ tàu thu chỉ đủ bù chi. Theo ông Vũ, vụ sản xuất chính vừa qua, chuyến biển đạt thì ít mà chuyến biển thất thu thì nhiều. Nghề lưới vây gặp quá nhiều khó khăn. Trữ lượng cá ngừ, cá nục ngày càng khan hiếm. Chi phí mỗi chuyến biển lên đến gần 200 triệu đồng, cao hơn nửa năm trước gần 50 triệu đồng. Đầu ra sản phẩm lại rất bấp bênh, giá bán thấp khi tư thương cho rằng cá bị trầy xước, không truy xuất được nguồn gốc nên chỉ bán được ở thị trường nhỏ lẻ chứ không chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Các chủ tàu lưới vây khác trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, vụ sản xuất chính vừa qua là một trong những vụ khai thác hải sản thất bát nhất. Nỗi lo là nhiều chủ tàu sợ thiếu lao động khi các bạn biển sau vài chuyến thấy sản xuất không đạt là tìm cách đầu quân cho tàu cá khác.
Câu mực khơi và lưới chụp đều là 2 nghề cá chủ lực của ngư dân Quảng Nam với điểm chung là đánh bắt mực xà. Không giống như các loại mực nan, mực ống, mực nái vừa có thể phục vụ thị trường nội địa vừa phục vụ thị trường xuất khẩu, mực xà chủ yếu chỉ có thể xuất bán sang thị trường Trung Quốc và số ít ở Thái Lan. Do Trung Quốc chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch nên khối lượng lớn mực xà tồn kho trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khiến ngư dân gặp khó. Theo ngư dân Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91239 theo nghề lưới chụp, phải tốn nhiều thời gian mới có thể bán được lượng mực xà tồn kho với giá rẻ. Tàu nằm bờ hàng tháng trời khi sản phẩm khai thác được chưa thể bán khiến nhiều lao động nản lòng. “So với vụ sản xuất chính năm trước, ở vụ vừa qua chúng tôi thất thu hàng tỷ đồng khi giá bán mực xà chỉ bằng 1/2 trước đây ” - anh Huệ nói. Bà Phan Thị Tuyết - tiểu thương thu mua mực xà lớn nhất tỉnh cho biết, hiện vẫn xuất khẩu mực xà qua Trung Quốc với đường tiểu ngạch chứ chưa thể xuất khẩu chính ngạch vì chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. “Mực xà có mùi nặng lại dai nên hầu như không thể chế biến thành thức ăn cho người dân. Không hiểu Trung Quốc mua với mục đích gì, chỉ biết họ có nhu cầu mua thì mình bán” - bà Tuyết nói.
Chưa hiệu quả
Ngư dân Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu vỏ thép QNa-93455 thẫn thờ nhìn con tàu nằm bờ bấy lâu nay. Trước đây là đội trưởng đội lưới quét C10 ăn nên làm ra, ông Tiến đã bán tàu cũ để đóng tàu vỏ thép theo nghề lưới rê hỗn hợp. Không lường được khó khăn, sản xuất kém khiến tàu nằm bờ, nợ xấu ngân hàng triền miên năm này sang năm khác. “Nói chung là tàu vỏ thép cũng có đi biển vài chuyến trong vụ sản xuất chính vừa qua để lường lại khả năng khai thác hải sản của nghề lưới rê hỗn hợp. Vả lại, đi biển mới có thể nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước” - ông Tiến nói. Toàn tỉnh có 8 tàu vỏ thép theo nghề lưới rê hỗn hợp đều rơi vào tỉnh cảnh như ông Tiến. Nhiều chủ tàu đã liên hệ với Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để vay vốn nhằm chuyển nghề, kiêm nghề nhưng không tiếp cận được vốn vay đành bất lực. ThS. Nguyễn Trọng Thảo (Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản - Đại học Nha Trang) cho rằng, nghề lưới rê hỗn hợp của ngư dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bạc Liêu cho hiệu quả tốt trong thời gian qua nên Quảng Nam có thể học hỏi, áp dụng giải pháp mới. Mùa vụ, đối tượng đánh bắt cần xác định lại để có thể sản xuất kiêm nghề, đa nghề. “Việc theo dõi, giám sát, hướng dẫn, thực hiện chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp ở Quảng Nam chưa được sâu sát, khi bộc lộ bất cập thì chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn. Vậy nên, cần điều chỉnh lại công nghệ chế tạo ngư lưới cụ, cải tiến lại vàn lưới rê hỗn hợp tránh quá dài, trọng lượng quá lớn gây khó xoay xở khi thực hiện mỗi mẻ lưới. Cùng với đó, nên liên kết chuỗi khai thác, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm được bài bản hơn” - ThS. Nguyễn Trọng Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, ngư dân theo các nghề lưới chụp và câu mực khơi không còn gặp quá nhiều khó khăn về đầu ra mực xà, tuy nhiên giá bán thấp và xuất khẩu tiểu ngạch vẫn rất bấp bênh. Theo đó, chỉ cần đối tác Trung Quốc viện cớ, chậm nhập khẩu là mực xà sẽ lao đao đầu ra ngay. Theo ông Thịnh, có thể áp dụng giải pháp xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp trong nước chế biến sâu các mặt hàng từ mực xà khơi khô để giúp ngư dân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm sau khai thác. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ mực xà bấy lâu nay không được chế biến là món ăn vì nặng mùi và rất dai như đã nói ở trên. Vậy nên, Quảng Nam cần tổ chức lại quy trình sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, khi mực xà có chất lượng kém, người dân trong nước không sử dụng thì khó thực hiện theo chuỗi giá trị vì nguy cơ vỡ nợ sau đầu tư là rất cao.