Cứu nghề lưới rê hỗn hợp
Giải pháp chuyển nghề, kiêm nghề đối với các tàu công suất lớn hành nghề lưới rê hỗn hợp nằm bờ lâu nay đã đem lại hiệu quả bước đầu, tạo động lực giúp các chủ tàu tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập, trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ngư dân cần được hỗ trợ của Nhà nước để chính danh sản xuất kiêm nghề hay chuyển nghề.
Tự chuyển sang nghề lưới chụp giúp ngư dân tăng thu nhập chuyến biển. Ảnh: QUANG VIỆT |
Tự thân vận động
Đã bước vào vụ cá bắc, thời tiết thất thường, nhiều khi biển động mạnh nhưng tàu vỏ thép QNa-92345 có công suất 822CV vẫn thường trực bám biển. Ông Lê Tuyến (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, Duy Xuyên) - chủ phương tiện này cho biết, đã rất vất vả mới đóng được tàu lớn, hiện đại thì nhất quyết không thể nằm bờ. Nghề lưới rê hỗn hợp thất bát, chuyển sang nghề lưới chụp, ông Tuyến đã phải tìm bạn biển, ứng trước tiền công để họ đi biển. “Mấy tháng nay, tính trung bình mỗi chuyến biển ở Hoàng Sa có thời gian gần 1 tháng với 10 lao động, chúng tôi thu được 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của chủ tàu là 50 triệu đồng, bạn biển được chia hơn 5 triệu đồng. Thành quả chưa cao nhưng vượt trội so với nghề lưới rê hỗn hợp trước đây” - ông Tuyến nói. Đối tượng chính của nghề lưới chụp là mực xà. Ngoài 8 hầm đông lạnh, ông Tuyến đầu tư thêm giàn phơi mực để có thể cung ứng mực tươi, mực khô tùy theo nhu cầu thị trường. “Tôi không lo sợ được mùa, mất giá vì có thể lựa chọn bán mực tươi hay mực khô để thu được giá trị kinh tế cao. Khác với cá thu khan hiếm, mực xà rất nhiều trên biển nên luôn thu được sản lượng khá” - ông Tuyến nói.
Thua lỗ với nghề lưới rê hỗn hợp, tàu vỏ thép QNa-93579 của ngư dân Phạm Văn Hùng (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) nằm bờ nhiều tháng. Không thể ra khơi, không đủ tiền trả ngân hàng khi đến hạn, ông Hùng lâm vào cảnh nợ xấu. Để xoay xở, ông Hùng vay tiền của người thân, bạn bè góp vốn với ngư dân cùng địa phương đóng tàu vỏ gỗ sản xuất với nghề lưới vây. Theo ông Hùng, đối tượng cá nục, cá ngừ hoạt động tương đối mạnh trên biển nên tôi tự tin có thể thu được sản lượng cao. Khi tích lũy được nguồn vốn khá tôi sẽ cải hoán lại tàu vỏ thép QNa-93579 để kiêm nghề lưới vây, lưới chụp và lưới rê. Đa dạng cách sản xuất sẽ giúp bám biển hiệu quả hơn. Trong số 13 tàu lưới rê sản xuất kém trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 6 chủ tàu chuyển sang nghề lưới chụp, sản xuất khá, có thu nhập, dần trả nợ ngân hàng cho vay vốn đóng tàu. Đã có 5 tàu theo nghề lờ lươn, sản xuất dần ổn định, bước đầu tích lũy vốn để trả nợ ngân hàng. Tiếp sức các chủ tàu, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu 400 triệu đồng cũng giúp họ trả nợ ngân hàng, dần thoát nợ quá hạn.
Hỗ trợ ngư dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho rằng, thất bại nặng nề với nghề lưới rê hỗn hợp, lâm vào cảnh nợ xấu nhưng các chủ tàu xoay xở để vượt qua khó khăn. Rào cản lớn nhất của ngư dân vào thời điểm này là huy động vốn để cải hoán lại thân tàu mới có thể chính danh sản xuất kiêm nghề hay chuyển sang nghề mới. “Để đóng được tàu lớn đang sở hữu, ngư dân đã dốc toàn lực, vay mượn của người thân làm vốn đối ứng với ngân hàng. Bởi vậy, họ rất cần hỗ trợ từ Nhà nước. Tỉnh có Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam thì nên xem xét nới lỏng quy định, có cơ chế mở giúp ngư dân tiếp cận vay vốn để cải hoán lại tàu cá, sản xuất kiêm nghề hay chuyển sang nghề khác” - ông Siêm nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phần lớn trong số 11/13 tàu lưới rê hỗn hợp đang sản xuất bằng nghề lờ lươn hay lưới chụp khi chưa được cấp phép, chứng nhận chuyển nghề, kiêm nghề. Bộ NN&PTNT đã cấp phép cho các tàu cá nói trên hoạt động bằng nghề lưới rê hỗn hợp. Ngư dân chỉ được cấp phép sản xuất bằng nghề khác hay kiêm nghề từ Bộ NN&PTNT khi cải hoán, sửa đổi nhiều thiết kế trên tàu theo quy định. Bởi vậy, sản xuất kiêm nghề hay chuyển nghề của các tàu lưới rê hỗn hợp về cơ bản là tạm bợ. “Chúng tôi đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành bổ sung cơ chế tiếp tục cho các tàu cá theo nghề lưới rê hỗn hợp vay thêm số tiền khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/tàu với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng thương mại để đầu tư cải hoán kiêm nghề hay chuyển sang nghề khai thác hải sản mới. Như vậy họ mới có thể cải thiện doanh thu, có điều kiện thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay cho ngân hàng để đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trước đây” - ông Ngô Tấn nói.
VIỆT NGUYỄN