Thăng Bình: Tàu vỏ thép nghề lưới rê hỗn hợp gặp khó
(QNO) - Thời gian gần đây, nhiều tàu vỏ thép đánh bắt theo nghề lưới rê hỗn hợp của ngư dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) phải nằm bờ do đánh bắt không hiệu quả.
Tàu của ngư dân Phan Thu theo nghề lưới rê hỗn hợp không hiệu quả nên phải nằm bờ. Ảnh: T.T |
Đầu năm 2017 đến nay, tàu vỏ thép số hiệu QNa-95997 TS, có công suất 814CV của ngư dân Phan Thu (trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) phải nằm bờ do làm ăn thua lỗ và không có bạn đi biển. Để có tiền trang trải gia đình, ông Thu phải đi bạn cùng với những tàu khác.
Ông Thu cho biết, năm 2015, sau khi Nghị định 67 được triển khai, ông đã bán tàu vỏ gỗ, làm các thủ tục hồ sơ, đóng một chiếc tàu vỏ thép đăng ký hoạt động theo nghề lưới rê hỗn hợp, hạ thủy vào tháng 11.2015. Tuy nhiên, từ khi tàu hạ thủy, sản xuất nghề lưới rê hỗn hợp không hiệu quả, khiến ông thua lỗ phải nằm bờ.
Sau đó, tàu của ông Thu chuyển qua nghề bắt lươn biển. Nhưng với vài chuyến biển thì cũng nghỉ nghề vì lươn đưa vào đến bờ bị chết nhiều, thương lái ép giá. Còn hiện nay, để chuyển hoán qua nghề chụp mực thì phải hết hơn 3 tỷ đồng. “Từ chuyến biển đầu năm 2017, tàu sản xuất theo nghề lưới rê hỗn hợp của tôi không đạt, thua lỗ 200 triệu đồng và nằm bờ. Từ đó đến nay, bạn đi biển cũng bỏ thuyền đi bạn cho những tàu khác. Dù mỗi chuyến tôi đều phải trả cho bạn 7 triệu để giữ chân nhưng vì nghề không phù hợp nên bạn đều bỏ thuyền mà đi” - ông Thu nói.
Nhiều đoạn trên con tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu bị hư hỏng, gỉ sắt: Ảnh: T.T |
Theo ông Thu, tàu vỏ thép đánh bắt nghề lưới rê hỗn hợp ở một số vùng biển nước ta không phù hợp. Đánh lưới rê thì đánh cá lớn mới hiệu quả, chỉ đánh được vài tháng mùa đông, đi theo làn cá di cư. Nhưng khu vực vùng biển đánh bắt trước đây thì không có. Khu vực biển từ tỉnh Quảng Trị trở ra thì không chen chân vào được. Ông Thu rất trăn trở bởi việc chỉnh sửa thiết kế sang nghề chụp mực sẽ tốn khá nhiều tiền.
Không chỉ riêng tàu của ông Thu gặp khó mà hiện nay còn nhiều tàu vỏ thép ở xã Bình Minh hoạt động lưới rê hỗn hợp đều gặp phải tình trạng tương tự. Tàu vỏ thép QNa-94989 TS của ngư dân Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) - công suất 829CV cũng theo nghề lưới rê hỗn hợp gặp khó nên đành phải vay mượn hơn 3 tỷ đồng để tự chuyển hoán sang nghề chụp mực.
Ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, hiện nay, toàn xã Bình Minh có 3 tàu vỏ thép đăng ký đóng mới sản xuất theo nghề lưới rê hỗn hợp nhưng tàu vỏ thép của ông Trần Văn Liên chưa hạ thủy do một số nguyên nhân. Hai tàu tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu, Trần Công Chi sản xuất theo nghề lưới rê không hiệu quả.
“Muốn chuyển hoán từ nghề lưới rê hỗn hợp qua nghề chụp mực để tiếp tục đánh bắt, ngư dân phải cần một khoảng tiền lớn mới có thể chuyển hoán được. Trong khi đó, toàn bộ lưới rê hiện tại của ngư dân bán lại rất khó vì hầu như trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có ai mua. Hiện nay, ngư dân địa phương đang gặp khó khăn trong việc vay vốn chuyển hoán nghề đánh bắt" - ông Bảy nói.
THANH THẮNG