Tiếp sức cho ngư dân
Những năm qua, đội tàu cá đánh bắt xa bờ của huyện Núi Thành ngày càng lớn mạnh, vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn và khai thác thủy sản cũng đạt kết quả cao hơn.
Ngư dân Núi Thành ngày càng tiếp thu nhiều giải pháp kỹ thuật, phát triển công nghệ đánh bắt. Ảnh: V.PHIN |
Tiềm năng được đánh thức
Với bờ biển dài 37km, lại có 2 cửa biển, huyện Núi Thành có thế mạnh về nghề khai thác hải sản. Hiện toàn huyện có 1.595 tàu thuyền gắn máy với tổng công suất 173.231CV. Tuy nhiên, mới chỉ có 350 chiếc tàu cá có công suất từ 90CV đến 1.070CV. Trong đó, có 274 chiếc đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa, chiếm xấp xỉ 17% với tổng số lao động tham gia trên đội tàu cá xa bờ hơn 4.000 người. Theo Phòng NN&PTNT huyện, đội tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa có số lượng hành nghề lưới vây lớn nhất với 140 tàu cá, giải quyết việc làm cho 1.483 lao động. Ngoài ra, nghề câu cá, câu mực xà, nghề mành chụp và tàu hậu cần cũng đang phát triển mạnh theo từng năm. Không chỉ đa dạng ngành nghề, việc các tàu hậu cần được nâng công suất, giúp chuyến biển xa hơn, hỗ trợ tốt hơn cho hành trình đánh bắt dài ngày của ngư dân. Cùng với đó, đội tàu câu mực, tàu mành chụp nhiều năm qua đã và đang mang lại nguồn thu đáng kể. Năm qua, thành công nhất là các tàu câu mực, khi sản phẩm có giá thành cao, các tàu đánh bắt đều mang về sản lượng khai thác ổn định, nhiều ngư dân có thu nhập khá nhờ đánh bắt xa bờ.
Đặc biệt, trong đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Núi Thành có 22 chiếc tàu vỏ thép làm nghề mành chụp, lưới vây... giải quyết việc làm cho 264 lao động. Các tàu vỏ thép này đều được ngư dân đánh giá cao, ít xảy ra tình trạng hỏng hóc, sự cố như một số địa phương khác. Ước tính, hằng năm, đội tàu đánh bắt xa bờ Núi Thành khai thác đạt khoảng 28 ngàn tấn hải sản các loại, chiếm hơn 60% tổng sản lượng đánh bắt của toàn huyện. Đồng thời đội tàu xa bờ tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ quyền, chủ quyền ở các vùng biển đảo của Tổ quốc. Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về nhiều chính sách ưu đãi, ngư dân trong huyện có điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, trang bị đầy đủ thiết bị hàng hải. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ ngư dân được tiến hành kịp thời, hầu hết ngư dân điều khiển tàu cá xa bờ được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Trong đó, phần lớn các tàu tham gia nghiệp đoàn nghề cá, được các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển hỗ trợ nên việc đánh bắt của bà con ngày càng thuận lợi.
Động lực mới
Bên cạnh những thuận lợi, đội tàu cá đánh bắt xa bờ của huyện Núi Thành còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Yếu tố rủi ro do thiên tai gây ra hoặc tàu lạ bắt giữ, xua đuổi, tấn công... thường xuyên gây tổn thất to lớn về tài sản và tính mạng của ngư dân. Theo thống kê, 17 năm qua (2001 - 2017), bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy đã làm chìm 15 tàu thuyền, hư hỏng 489 lượt chiếc, làm chết 68 người và mất mát nhiều ngư lưới cụ, trang thiết bị của hàng trăm tàu thuyền của ngư dân huyện Núi Thành. Gần đây nhất, hai tàu câu mực của ngư dân gặp nạn tại vùng đảo Trường Sa, khiến tàu hư hại hoàn toàn, 2 ngư dân thiệt mạng. Ngư dân bị tàu nước ngoài tấn công, làm hư hại tàu thuyền, ngư lưới cụ… Qua khảo sát, một trong những rào cản, là ý thức chấp hành Luật Hàng hải, Luật giao thông đường thủy, Luật biển... của ngư dân tàu cá xa bờ còn hạn chế, bà con còn chủ quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên tàu cá. Trong thời gian qua, Núi Thành có tới 11 tàu cá xa bờ bị cháy, tổng trị giá thiệt hại gần 30 tỷ đồng. Một số chủ tàu cá đánh bắt xa bờ khi hoạt động trên biển lại không phối hợp liên lạc với đất liền và né tránh việc điều tàu đến hỗ trợ tàu cá bị sự cố. Rào cản trong việc tiếp sức cho ngư dân, còn ở tình trạng chủ tàu cá đóng mới phương tiện theo Nghị định 67 còn chây ì trong việc trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng... Giá cả thủy sản thường xuyên dao động, sản lượng đánh bắt tỷ lệ nghịch với giá thu mua gây khó khăn cho ngư dân khi tiêu thụ cũng là một trăn trở mà nhiều tàu cá đang gặp phải.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ, để từng bước nâng cao hiệu quả đội tàu đánh bắt xa bờ, địa phương đang áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. “Huyện chú trọng đến việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, tăng cường giám sát, quản lý hoạt động tàu cá xa bờ. Ngoài ra, địa phương cũng đã đề nghị lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả hoạt động chấp pháp trên biển, kiên quyết xử lý ngư dân cố tình vi phạm pháp luật. Hiện nay, cùng với các giải pháp kỹ thuật mới trong đánh bắt, ngư dân cũng đã mạnh dạn học hỏi, tiếp thu công nghệ mới, nhất là công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác. Công tác liên lạc được tăng cường giữa đội tàu đánh bắt với chính quyền địa phương và các cơ quan trên đất liền để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra cũng là cách để hạn chế thấp nhất những rủi ro về tài sản, nhân mạng của người dân” - ông Thịnh nói. Song song với đó, huyện Núi Thành cũng đang kiến nghị mở rộng các chính sách hỗ trợ ngư dân, đầu tư hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần tàu cá, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng cá Tam Quang, nạo vét luồng chạy tàu và vùng nước các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Những nỗ lực của phía ngư dân và chính quyền đang là động lực mới cho những con tàu vươn xa hơn, về phía biển.
VĂN PHIN