Khó đổi mới công nghệ nghề cá
Ứng dụng những thành tựu công nghệ là mấu chốt để Quảng Nam tạo chuyển biến về chất cho nghề khai thác hải sản. Vậy đâu sẽ là hướng đi phù hợp?
Tàu chụp mực 4 tăng gông duy nhất ở xã Tam Giang, Núi Thành. Ảnh: THỊ TÚ |
TẠI diễn đàn khuyến ngư với chủ đề liên kết tạo cú hích khai thác hải sản xa bờ khu vực miền Trung do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư quốc gia tổ chức tại Quảng Nam cách đây chưa lâu, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho rằng, thực tại nghề cá đòi hỏi phải tạo chuyển biến trong ứng dụng các thành tựu công nghệ, bởi phát triển về lượng chỉ là bề nổi, muốn chuyển biến về chất đòi hỏi phải phát triển theo chiều sâu, bền vững. Tăng sản lượng là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải nâng cao giá trị hải sản sau thu hoạch, đem lại thành quả kinh tế cao ở mỗi chuyến biển. Muốn có được cả hai điều đó thì phải ứng dụng hiệu quả các thành tựu về công nghệ, trên cả hai lĩnh vực là cải tiến ngư lưới cụ và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho nghề cá.
Khó ứng dụng
Có thể nhận thấy, thời gian qua nghề cá Quảng Nam đã có những phát triển vượt trội với sự hình thành đội tàu vỏ thép công suất lớn, tăng năng lực sản xuất ở các vùng biển xa. Về cải tiến ngư lưới cụ, Quảng Nam đã nâng cao một bước đối với nghề lưới rê 3 lớp cải tiến thành lưới rê hỗn hợp. Ông Đỗ Văn Thành (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) cho biết, phát triển vượt bậc này đã giúp cho ngư dân vừa sản xuất thuận lợi hơn vừa tăng hải sản đánh bắt được sau mỗi mẻ lưới. “Chúng tôi cải tiến lại cho nghề lưới rê hỗn hợp, làm cho lưới ít xoắn hơn, dễ thao tác đan lưới và khi thả lưới, kéo lưới cũng dễ dàng hơn trước. Với ngư lưới cụ mới này, vàn lưới dài đến gần 20km, tăng gần 10km so với trước nhưng chỉ cần khoảng 7 lao động so với hơn 10 người trước kia” - anh Thành nói.
Trên lĩnh vực ứng dụng thiết bị hiện đại, các ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành, Thăng Bình đã sử dụng thiết bị chụp mực 4 tăng gông để khai thác mực xà ở các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Thực tế cho thấy thiết bị này đã phát huy hiệu quả so với nghề câu mực xà bằng rường ở các vùng biển xa. Thời gian chuyến biển ngắn, từ 2 đến 3 tháng giảm xuống còn 10 - 15 ngày. Mực xà khai thác được không cần phải phơi khô mà được bảo quản tươi trong khoang lạnh. Vì thế, sản lượng và năng suất khi khai thác bằng 4 tăng gông vượt trội so với câu rường truyền thống.
Tiện ích và hiệu quả thì đã rõ, điều đáng nói ở đây là các mô hình này mới chỉ manh nha hình thành và khó nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, Núi Thành cho rằng, hơn 5 năm nay, ngư dân trên địa bàn câu mực bằng rường, nhưng bây giờ đã lạc hậu. Toàn xã mới chỉ có 1 ngư dân mạnh dạn ứng dụng chụp mực xà 4 tăng gông trong khi đó hơn 50 chủ tàu khác không biết bằng cách nào có thể huy động được vốn lớn vài tỷ đồng để đầu tư thiết bị mới, thay đổi sản xuất từ thủ công sang máy móc. Còn việc phát triển nghề lưới rê hỗn hợp, dù Sở NN&PTNT, huyện Núi Thành đã phối hợp với Trường Đại học Nha Trang làm đề tài khoa học, chứng minh tính khả thi để nhân rộng nghề này nhưng đã thất bại. Ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) triển khai mô hình này theo đề tài cho biết, hiệu quả không cao so với nghề truyền thống. Ngư dân không theo đuổi vì không phù hợp với tập quán đánh bắt. Cái khó để ứng dụng và nhân rộng công nghệ mới nằm ở chỗ chuyển giao trong điều kiện không chín muồi, ngư dân chưa đón đợi.
Cần đổi mới
Thực tế cho thấy có nhiều bất cập trong chuyển giao, ứng dụng các thành tựu công nghệ cho nghề đánh bắt hải sản. Hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU có thể giảm mức hao hụt sản phẩm sau khi khai thác từ mức hơn 20% xuống còn dưới 10% nhưng ở thời điểm hiện tại, Quảng Nam chưa thể triển khai nhân rộng mô hình này. Ngư dân cho rằng, họ được khuyến khích nhưng lại không được ngành chức năng tập huấn chuyển giao công nghệ nên khi lắp đặt xong thì loay hoay hỏi chỗ này, chỗ nọ để có thể sử dụng. Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân biết sử dụng thì lại che giấu các ưu điểm, cách vận hành nên xảy ra nhiều trục trặc. Một thiết bị khác là máy tầm ngư, cũng nảy sinh điều bất cập. Suốt thời gian dài, ngư dân theo nghề lưới vây quen sử dụng máy dò đứng, khi sử dụng máy dò ngang rồi máy quét 360 độ hiện đại hơn rất nhiều đã không biết làm sao để phát huy hiệu quả. Nhiều ngư dân than phiền, họ “tự bơi” khi sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại, không được ngành chức năng giúp đỡ về mặt kỹ thuật nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc. Máy bị hỏng, máy không phát huy hiệu quả đã khiến cho ứng dụng thành ra… lãng phí.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, sản lượng đánh bắt hải sản chỉ có thể tăng lên đến mức độ nào đó rồi dừng lại vì trữ lượng hải sản tại các vùng biển xa có dấu hiệu giảm sút, cần phục hồi do khai thác quá mức, đặc biệt là do ngư dân dùng thuốc nổ. Vậy nên, điều cần kíp nhất là phải ứng dụng đồng bộ các thành tựu về công nghệ để tăng giá trị hải sản sau khai thác. Muốn vậy, cần phải đổi mới quan điểm, cách tiếp cận, tổ chức ứng dụng cho khoa học, bài bản, tránh ứng dụng rồi… bỏ đó.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới sẽ áp dụng các công nghệ số, viễn thám, sử dụng vệ tinh để theo dõi, quản lý nguồn lợi hải sản và đội tàu khai thác xa bờ. Ngành cũng sẽ nghiên cứu, ứng dụng phương pháp đánh bắt mới, ngư cụ, thiết bị khai thác, công nghệ bảo quản hải sản hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
HUỲNH THỊ TÚ