Triển khai Quyết định 47: Ngư dân chưa được thụ hưởng
Cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Quyết định 47) dù được triển khai tại Quảng Nam nhưng chưa có ngư dân nào được thụ hưởng.
Ngày 31.10.2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 47 để thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá theo Nghị định 89. Quyết định áp dụng cho các ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản hoặc thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất từ 800CV trở lên với mức hỗ trợ là 35% tổng giá trị đầu tư cho tàu vỏ thép và composite, 15% cho tàu vỏ gỗ. Đối với lĩnh vực hậu cần, chỉ hỗ trợ cho tàu vỏ thép, loại có công suất 800 - 1.000CV sẽ được hỗ trợ tối đa là 8 tỷ đồng, loại có công suất hơn 1.000CV sẽ được hỗ trợ tối đa là 9,8 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, áp dụng đồng thời cho tàu vỏ thép, tàu composite và tàu vỏ gỗ. Cụ thể, tàu vỏ gỗ có công suất từ 800CV trở lên sẽ được hỗ trợ với mức tối đa 2 tỷ đồng, tàu composite có công suất 800CV trở lên sẽ được hỗ trợ tối đa 6,7 tỷ đồng. Tàu vỏ thép có công suất 800 - 1.000CV được hỗ trợ tối đa là 6,7 tỷ đồng; tàu vỏ thép có công suất hơn 1.000CV sẽ được hỗ trợ tối đa là 8 tỷ đồng.
Do triển khai thí điểm nên Quyết định 47 chỉ áp dụng trong thời hạn từ ngày 25.11.2015 (lúc Nghị định 89 có hiệu lực thay thế cho Nghị định 67) đến ngày 31.12.2016. Đến thời điểm này, tại Quảng Nam chưa có ngư dân nào làm hồ sơ để đề xuất thụ hưởng cơ chế này. Nhiều ngư dân cho rằng, mức hỗ trợ này không ưu việt bằng cơ chế hỗ trợ được vay vốn 95% giá trị với tàu vỏ thép và 70% đối với tàu vỏ gỗ mà chỉ phải trả lãi suất 1%/năm đối với tàu vỏ thép và 3%/năm đối với tàu vỏ gỗ. Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho rằng, với cơ chế hỗ trợ sau đầu tư này thì sẽ khó có ngư dân nào trên địa bàn tỉnh được hưởng thụ. Vì rằng, đây là hỗ trợ sau đầu tư nên bắt buộc chủ tàu phải đóng mới xong phương tiện thì mới có điều kiện cần để làm đơn xin hỗ trợ. Trong khi đó, giá trị con tàu có công suất từ 800CV trở lên, đặc biệt là tàu vỏ thép và composite có giá trị rất lớn nên ngư dân không đủ nguồn lực để thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng vốn đối ứng chỉ 5% giá trị con tàu vỏ thép hoặc 30% giá trị con tàu vỏ gỗ mà ngư dân đã quá khó xoay xở rồi, thì làm sao họ có thể huy động đủ vốn để đóng xong con tàu có giá trị rất lớn rồi mới đề nghị được hưởng theo Quyết định 47. Ngoài ra, có quá nhiều điều kiện để có thể được thụ hưởng cơ chế. Trước hết là tàu cá phải sử dụng máy thủy mới 100%. Các thiết bị, ngư lưới cụ, máy móc dùng trên tàu cũng bắt buộc phải mới hoàn toàn. Ngoài ra, chủ tàu phải là thành viên của tổ, đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác hải sản. Đồng thời phải lắp đặt thiết bị thông tin có khả năng định vị kết nối với trạm bờ để quản lý quan sát hành trình…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, ngư dân và các địa phương ven biển không nên so đo tính hơn thiệt các chính sách hỗ trợ vì cơ chế nào cũng có ưu điểm nổi trội, giúp ngư dân sở hữu được tàu công suất lớn. Các địa phương ven biển cần phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT cập nhật cơ chế, rà soát, thống kê tất cả trường hợp ngư dân có nguyện vọng được hưởng cơ chế ưu đãi sau đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh công nhận.
VIỆT QUANG