Vụ sản xuất khó khăn

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/10/2016 08:32

Sản lượng khai thác giảm hơn mọi năm cộng với đầu ra hải sản bấp bênh khiến cho hiệu quả sản xuất của ngư dân trong vụ chính (bắt đầu từ ngày 1.4 đến 30.9) đạt thấp.

Sụt giảm

Cuối vụ sản xuất chính, không nhiều tàu cá cập cảng Tam Quang (Núi Thành) bán hải sản. Không như mọi năm, khung cảnh nhộn nhịp không còn, cả việc tiếp nhiên liệu, thu mua đá cây và các nhu yếu phẩm khác cũng ít ỏi. Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ 3 chiếc tàu có tổng công suất 1.650CV không vui với những chuyến biển vừa qua. Người đàn ông có thâm niên trong nghề lưới vây này cho biết, sản lượng khai thác trong vụ sản xuất chính đạt rất thấp. Có nhiều chuyến biển chỉ đánh bắt được 5 tấn cá nục, cá ngừ, chỉ bằng nửa các chuyến biển cùng kỳ năm trước. “Tính tổng chi phí cho chuyến biển với 10 lao động trong quãng 15 ngày tốn khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, tối đa 5 tấn cá nục, cá ngừ chỉ thu được 100 triệu đồng. Nếu đầu nậu o ép chê cá bị trầy xước thì cầm lỗ là cái chắc. Mình thì có chuyến đạt, chuyến lỗ, bù qua sớt lại cũng xuê xoa chứ bạn biển thất thu là họ tìm tàu khác mà đi, vì sinh kế mà” - ông Tạo nói. Lưới vây ngày và lưới vây ánh sáng là nghề đánh bắt hải sản xa bờ nổi bật nhất của Quảng Nam trong nhiều năm qua, nhưng nghề này sản xuất không ổn định trong vụ chính này.

Mua bán hải sản ở cảng cá Tam Quang trong vụ sản xuất chính. Ảnh: N.Q.V
Mua bán hải sản ở cảng cá Tam Quang trong vụ sản xuất chính. Ảnh: N.Q.V

Ông Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cũng là ngư dân kỳ cựu theo nghề lưới vây từ hơn 20 năm nay. Ông cho rằng, vụ sản xuất chính này là thời gian bám biển khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Mỗi khi ra ngư trường Hoàng Sa sản xuất là phải đi vòng tránh né tàu Trung Quốc, vì thế mà chỉ riêng chi phí nhiên liệu đã tăng lên hơn chục triệu đồng. Giá xăng dầu có tăng, có giảm theo từng thời điểm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như gas, lương thực, thực phẩm, nước uống lại tăng lên cũng là nguyên nhân khiến cho phí tổn cao. “Trước đây đi biển cỡ 15 ngày với 10 lao động, tốn khoảng 70 triệu đồng. Mới đây tiền dầu đã tăng lên 70 triệu đồng rồi, cộng hết các khoản khác thì tốn 100 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng lại thấp quá mức, nhiều chuyến chỉ thu được vài tấn cá. Làm ăn vất vả mà không dư dôi nên chúng tôi lo sợ thiếu lao động trong thời gian đến” - ông Bẹn nói.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, sản lượng khai thác hải sản trong vụ cá chính chỉ đạt 52 nghìn tấn, giảm 8% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ có ít nghề duy trì được sản lượng là chụp mực và câu mực khơi. Trong khi đó, nghề lưới rê hỗn hợp cũng đã xuống “phong độ”. Đáng tiếc là có các trường hợp ngư dân lão luyện theo nghề này lại chưa dám ra khơi vì sợ thu không đủ bù chi. “Anh em bám biển theo tổ, đội đoàn kết, cùng ra khơi và cập bờ cùng lượt đã quen rồi. Có đôi lúc mình thấp thỏm chưa dám ra khơi vì sợ thất thu chuyến biển cũng áy náy. Quả thực, năm nay sản xuất rất khó khăn” - ngư dân Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên), chủ tàu vỏ thép QNa-93455 nói.

Gian nan đầu ra

Bà Đỗ Thị Tuyết Minh, chủ cơ sở thu mua hải sản ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang) cho rằng, mua không đủ hải sản để xuất đi theo đơn đặt hàng của đối tác ở nhiều thời điểm trong vụ sản xuất chính. “Tôi không biết ngư trường sản xuất thế nào mà năm nay nguồn cá không còn dồi dào như trước. Có tháng gia đình tôi chỉ mua được vài chục tấn hải sản. Xuất hàng đi cung ứng phải đồng loạt mà sản lượng không đủ nên chi phí tăng thêm. Ngư dân sản xuất thất thu thì chúng tôi kinh doanh cũng thất thu theo” - bà Minh nói. Sản lượng đã ít đi mà giá hải sản lại không cao. “Dĩ nhiên mặt hàng chi cũng có nhiều khung giá nhưng cá nục loại 1 chỉ bán được 20 nghìn đồng/kg là quá thấp. Cá ngừ cũng không hơn, giá dao động từ 20 nghìn đồng trở xuống là khó chấp nhận được trong điều kiện hàng hải sản khan hiếm” - ông Bẹn nói. Nhiều trường hợp ngư dân là chủ tàu cá ở các thôn trên địa bàn xã Tam Quang không cập bờ bán hải sản và có dịp về thăm nhà là do đi tìm thị trường tiêu thụ khả dĩ hơn. Các ngư dân cho biết, cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng), Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cũng ế ẩm, đầu ra không ổn định. Cá biệt khu vực Cồn Cỏ hay Cửa Việt (Quảng Trị) thì thương lái, đầu nậu càng không thu mua cá, mực.

Hiện tại, số tàu cá trang bị hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ tiên tiến trên địa bàn tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ước tính của Sở NN&PTNT, vì vẫn sử dụng hầm bảo quản hải sản theo phương thức truyền thống, hải sản bị hao hụt rất nhiều, giảm giá trị đến 20%. Trong khi đó, trong bối cảnh chung là giá hải sản tụt giảm thì thương lái, đầu nậu càng được dịp ép giá nên ngư dân càng chịu thiệt. Ở Tam Quang, có nhiều cơ sở thu mua hải sản nhưng điều kiện bảo quản lại chưa được đầu tư bài bản. Khi chưa đủ số lượng, họ phải gửi hải sản sang công ty chế biến để đông lạnh nên phải chịu khoản chi phí không nhỏ. Để hàng hải sản len lỏi được vào các thị trường ở TP.Hải Phòng hay TP.Hồ Chí Minh, các cơ sở kinh doanh hải sản của Quảng Nam phải chịu khấu hao hơn 5% tổng giá trị sản phẩm. Để đảm bảo lợi nhuận, thương lái tính hết các phần chi phí đó vào sản phẩm thu mua của ngư dân. Khu hậu cần nghề cá loại 1 đang được xúc tiến đầu tư ở xã Tam Quang là tín hiệu vui, tuy nhiên để giúp ngư dân ổn định sản phẩm thì điều cần kíp là nên thu hút các công ty chế biến hải sản đầu tư trên địa bàn tỉnh, trực tiếp thu mua hải sản trên địa bàn, giúp ngư dân giảm bớt các gánh nặng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT