Các mô hình khuyến ngư đem lại hiệu quả

NGUYỄN QUANG VIỆT 21/07/2016 09:36

Ngành khuyến ngư và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung nguồn lực, triển khai và nhân rộng các mô hình khuyến ngư để khuyến khích ngư dân sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tạo động lực

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây Quảng Nam” do các chuyên gia của Trường Đại học Nha Trang thực hiện vừa được Sở Khoa học & công nghệ nghiệm thu đã cho thấy các tính năng nổi trội cũng như hiệu quả thực tế khi triển khai trên tàu cá QNa-90170 của ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành). Trao đổi với chúng tôi về điều này, ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm mô hình khuyến ngư triển vọng để tiếp tục triển khai công tác trong năm 2017, góp phần tạo cú hích phát triển cho nghề cá Quảng Nam. Nhận thấy các tính năng tối ưu của đề tài, chúng tôi đang xây dựng chương trình, đề xuất tỉnh phê duyệt và triển khai ngay trong năm đến” - ông Long nói. Theo ông Long, điện mặt trời rất thân thiện với môi trường và ngư dân. Khi dùng đèn cao áp để thu hút cá trên tàu lưới vây nếu không may bị cháy thì phải cần đến 30 phút sau mới thay được bóng, lúc đó đàn cá đã di tản đi nơi khác rồi thì công sức, kế hoạch của ngư dân cho lần quét lưới đó thành công cốc. Tình trạng đó không xảy ra nếu ngư dân sử dụng đèn led vì loại ánh sáng này ít tỏa nhiệt. Chỉ một liên hệ nhỏ đó thôi cũng đã cho thấy việc cần thiết nên triển khai mô hình, giúp ngư dân sản xuất thuận lợi hơn.

Anh Võ Công Thảo sử dụng bè đèn led trong đánh bắt hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Q.V
Anh Võ Công Thảo sử dụng bè đèn led trong đánh bắt hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Q.V

Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai đóng mới hơn 50 tàu cá công suất lớn, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo ông Long, đối với những chiếc tàu hiện đại, có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng thì mức chênh lệch hơn chục triệu đồng đầu tư giữa đèn cao áp và đèn led là không đáng kể. Vì vậy, ngư dân nên mạnh dạn áp dụng mô hình này. Để thực hiện điều đó, việc tập huấn giúp ngư dân trang bị các kỹ năng cần thiết không quá khó nếu có quyết tâm. “Nếu chương trình khuyến ngư được thông qua, chúng tôi sẽ nghiên cứu áp dụng điện mặt trời và đèn led dẫn dụ hải sản, áp dụng cho cả tàu lưới vây, tàu chụp mực cũng như nghề khác cần đến ánh sáng mạnh. Đây cũng là một bước đi để hiện thực hóa chủ trương hiện đại hóa nghề cá của tỉnh” - ông Long nói.

Theo Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam, ngành cũng đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh xem xét để có thể triển khai mô hình lọc nước biển dùng cho sinh hoạt của ngư dân sản xuất dài ngày trên các vùng biển xa. “Ngư dân cần lượng nước ngọt rất lớn khi khai thác hải sản xa bờ. Để giảm áp lực này thì thử nghiệm mô hình lọc nước biển là cần thiết. Đối với nghề câu mực khơi bám biển khoảng 3 tháng trời của hơn 40 lao động, ngư dân không cần phải mệt nhọc chở hàng nghìn khối nước ngọt ra khơi xa sử dụng” - ông Long nói thêm.

Chú trọng khuyến ngư

Theo UBND huyện Núi Thành, từ đầu năm đến nay, sản xuất của ngư dân không thuận lợi, hiệu quả mỗi chuyến biển chưa cao. Để tạo chuyển biến cho quá trình khai thác hải sản xa bờ của ngư dân, địa phương nghiên cứu nhân rộng các mô hình khuyến ngư. Trong đó, đáng chú ý là áp dụng máy dò cá ngang hiện đại, có thể quét 360 độ ở tầng mặt và tầng đáy để phát hiện đàn cá di chuyển, từ đó giúp khai thác đạt hiệu quả. Mô hình bảo quản hải sản bằng hầm lót inox thay cho hầm gỗ truyền thống và hầm bảo quản bằng bọt xốp thổi Polyurethane (PU) được các ngư dân trên địa bàn mạnh dạn áp dụng cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế cũng cần được nhân rộng để nâng cao giá trị hải sản khai thác được. Nghề lưới rê hỗn hợp lần đầu được ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) học hỏi, du nhập, ứng dụng cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. “Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đang được đầu tư ở xã Tam Quang sẽ tạo động lực nâng cao hiệu quả sản xuất của nghề cá. Việc đó thúc đẩy địa phương phải tìm cách để đồng thời tăng sản lượng khai thác hải sản lẫn chất lượng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nhân rộng các mô hình khuyến ngư hiệu quả sẽ là bước đi thích hợp” - ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói.

Vấn đề đặt ra là nguồn lực nào để triển khai các mô hình khuyến ngư này? Theo các địa phương ven biển thì đó là tận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực đối với ngư dân của tỉnh và trung ương. Ví dụ như xây dựng hầm bảo quản bằng công nghệ tiên tiến thì “trợ thủ” là Quyết định 63/2010/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15.10.2010. Một nguồn lực khác chính là “bà đỡ” hợp tác xã hay tổ hợp tác phục vụ nghề cá. UBND huyện Thăng Bình đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho hợp tác xã nghề cá vay theo quy định hiện hành cũng như xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ trích nguồn ngân sách để hỗ trợ 50% lãi suất khi ngư dân vay vốn đầu tư hầm bảo quản hải sản áp dụng công nghệ mới.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT