Mưu sinh bằng nghề phơi cá
Nghề phơi cá mướn chủ yếu là làm ngoài trời nắng, nắng càng to thì cá phơi càng đạt chất lượng, vì thế mà nhiều phụ nữ phải chịu cảnh “trên nắng dưới nóng” suốt ngày để mưu sinh…
Nghề phơi cá luộc có tồn tại các xã ven biển của huyện Thăng Bình khoảng hơn 10 năm. Đây là nghề chế biến không cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều công đoạn và dụng cụ chế biến cũng đơn giản, nhưng đã góp phần tăng thu nhập cho rất nhiều người, từ ngư dân trực tiếp đánh bắt hải sản đến người chủ xưởng chế biến cá và người làm công. Cơ sở chế biến cá tươi mọc lên còn giúp đưa con cá bãi ngang đến với nhiều thị trường, góp phần giải quyết lao động địa phương…
Trên địa bàn các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Nam (Thăng Bình) trong những năm qua đã xuất hiện nhiều xưởng cá luộc với quy mô lớn, mỗi ngày thành phẩm hàng tấn cá xuất cho các đơn vị thu mua. Trong đó, ở thôn Tân An (xã Bình Minh) có hai xưởng chế biến quy mô lớn, thu hút hàng trăm lao động nữ tham gia. Chị Trần Thị Bích, Hồ Thị Thu và nhiều chị em khác ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh) là những người ít nhất cũng có gần 10 năm làm công phơi cá cho các chủ xưởng lớn. Từ khi các xưởng chế biến hải sản xuất hiện, các chị đã gắn bó với nghề phơi cá luộc và trở thành những “công nhân ruột” của các xưởng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình của nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đơn thân hoặc có chồng bị nạn trong khi đi biển. Chị Trần Thị A, một phụ nữ ở xã Bình Minh có chồng bị mất tích trong bão Chanchu năm 2006 tâm sự: “Không nhờ nghề ni thì chắc nhà tui phải xin cứu trợ hoài, con tui sẽ không đứa mô được đi học cho đến chừ…”.
Nhiều phụ nữ xã Bình Minh có nguồn thu nhập từ nghề phơi cá mướn. Ảnh: T.C.H |
Chị A đã đi làm nghề phơi cá mướn được gần 8 năm, nuôi ba đứa con ăn học, con gái đầu đang học đại học và 2 đứa nhỏ đang học phổ thông. Chị Hồ Thị Nh. có hoàn cảnh khó khăn không kém, chồng chị trong lúc đi biển bị tai biến mạch máu não, đưa kịp vào bờ cứu chữa nhưng để lại di chứng nặng, không thể lao động gì được, thế là chị trở thành lao động chính trong gia đình, vừa gánh cá thuê vừa phơi cá mướn để nuôi con còn nhỏ và chồng bị tật nguyền. Nhiều trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khác cũng lấy việc đi phơi cá thuê làm nghề mưu sinh và được thoát nghèo.
Mỗi ngày các chị làm 12 tiếng, mỗi tiếng chủ xưởng trả 15 nghìn đồng, cho ăn một buổi trưa và giữa giờ, nếu làm vào ban đêm thì tiền công sẽ được tăng thêm hai mươi phần trăm. Nghề phơi cá mướn này chủ yếu là làm ngoài trời nắng, nắng càng to thì cá phơi càng đạt chất lượng, vì thế mà các chị đội nắng gần như suốt ngày. Với kinh nghiệm của những người “trên nắng dưới nóng”, các chị bảo mặc càng ấm thì càng mát, vì thế mà bảo hộ lao động của các chị chủ yếu là mặc áo ấm nhiều lớp để mồ hôi ra làm mát lại cơ thể. Nhìn chị nào cũng kín bưng từ đầu đến chân, chỉ chừa lại đôi mắt, đứng dưới cái nắng chói chang giữa trưa của mùa hè để trở cá mà thấy chạnh lòng. Có những ngày gặp trời mưa dông bất chợt, cùng một lúc phải khuâng hàng trăm vỉ cá đang phơi vào kẻo bị ướt mới thấy cái vất vả của người phơi cá mướn. Nhiều chị vì lo “cứu” cá lại gặp trời mưa dông khi cả ngày đứng dưới nắng nên ngã bệnh và kiệt sức. Có chị đã định bỏ nghề vì không chịu nổi cái nắng hầm hập nhưng rồi cũng đành quay lại tiếp tục mưu sinh, vì theo các chị “nghề nào cũng phải khổ mới có cái để ăn, nghề phơi cá thuê này chỉ vất vả tí nắng nóng cứ không cần kỹ thuật chi mà công lại cao, có thể nuôi sống được gia đình”.
Trong 4 xã bãi ngang của huyện Thăng Bình, tổng số tàu thuyền có công suất 33 - 1.000CV có khoảng 250 chiếc, chủ yếu tập trung ở Bình Minh, Bình Dương. Trong đó có vài chục chiếc đánh bắt xa bờ, làm nghề câu mực khơi; số tàu thuyền còn lại chuyên đánh bắt gần bờ, chủ yếu khai thác cá cơm, cá nục. Với năng lực đánh bắt hiện nay, mỗi ngày tàu thuyền về bến với hàng trăm tấn cá các loại, ngoài việc các xưởng thu mua số cá ươn để muối thì số cá còn tươi họ mua giá cao hơn để chế biến bằng cách luộc rồi đem phơi. Cá phơi xong được đóng gói chuyển đi tiêu thụ nhiều nơi, trong đó có cả xuất khẩu ra thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Loại sản phẩm xuất khẩu được chế biến kỹ hơn, cá phải bỏ đầu và đóng gói cẩn thận vào thùng xốp, đây chính là công đoạn mà các chị công nhân được làm ở trong mát và được tăng giờ để có thêm thu nhập.
Hàng trăm phụ nữ các xã ven biển với những hoàn cảnh khác nhau đã tham gia nghề phơi cá mướn, với mức thu nhập trung bình 3 - 6 triệu đồng/người/tháng, đã góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương, giúp việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân một cách hiệu quả.
TRƯƠNG CÔNG HÙNG