Cộng đồng ngư dân bám biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 28/04/2016 08:38

Tinh thần gắn kết cộng đồng của ngư dân Quảng Nam biểu hiện rất rõ rệt, lúc đang sản xuất trên biển cũng như khi sinh hoạt trên bờ.

Góp vốn đóng tàu…

Nhiều tàu khai thác hải sản của ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) về cập bờ, tiêu thụ hải sản. Quan sát, chúng tôi nhận thấy các thành viên trên mỗi tàu cá đều thống nhất giá bán cá, mực mà không cần phải tốn nhiều thời gian để hội ý với nhau. Sau khi bán cá, các ngư dân neo đậu phương tiện rồi chung vai khiêng vác ngư lưới cụ, dọn dẹp tàu thuyền trước khi trở về nhà. Theo các ngư dân, tàu cá có công suất lớn, hoạt động xa bờ cộng với ngư lưới cụ và các vật dụng khác phục vụ cho nghề lưới vây hay câu mực có tổng giá trị không dưới 3,5 tỷ đồng. Một ngư dân không đủ vốn để sở hữu con tàu nhưng qua kêu gọi các anh em trong họ hàng, láng giềng cùng chung góp thì đủ vốn để đóng con tàu lớn vươn khơi xa, sản xuất đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có nhiều con tàu được hình thành nhờ hợp vốn của 7 - 10 anh em ngư dân. Họ đồng sở hữu con tàu, cùng sản xuất và chia phần. Nhờ tính cộng đồng, sống gần nhà hay có trong cùng họ hàng mà nhiều ngư dân dễ dàng đồng thuận trong quá trình sản xuất trên biển. Từ cách chọn ngư trường, hướng đánh bắt, cách tổ chức sản xuất cũng như bán sản phẩm ở chợ hay bến cá nào, ngư dân đều nhất trí. Họ cũng sẵn sàng gánh vác các phần việc của anh em khác. Mọi người có khuynh hướng chia sẻ với nhau chứ ít có tình huống dựa dẫm, ỷ lại.

Ngư dân chung vốn đóng tàu làm tô đậm thêm tính cộng đồng trong bám biển. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân chung vốn đóng tàu làm tô đậm thêm tính cộng đồng trong bám biển. Ảnh: N.Q.V

Theo UBND xã Bình Minh, trên toàn xã có tổng cộng chừng 120 tàu cá công suất lớn thì có đến gần 100 tàu là có cùng chủ sở hữu. Ngư dân đoàn kết, góp vốn, cùng chung nhau đóng tàu và chia đều sản phẩm thu được. Trước đây, nhiều ngư dân Bình Minh không có vốn đóng tàu, phải đi làm bạn biển ở khắp mọi nơi. Từ khi chung vốn, là đồng sở hữu phương tiện sắm được, vị thế của họ thay đổi nên rất phấn khởi và tăng thêm trách nhiệm mỗi lần ra biển sản xuất. Cái hay của ngư dân khi cùng góp vốn sản xuất là họ bầu chọn ra ngư dân có uy tín nhất để làm thuyền trưởng. Trong những tình huống bất trắc xảy ra, mặc dù là đồng chủ tàu nhưng các ngư dân khác đều nhất nhất nghe theo phản ứng của người “đứng mũi chịu sào”. Trong mọi giao tiếp khi bán sản phẩm cũng như thực hiện các thủ tục, giấy tờ cho tàu cá, người thuyền trưởng đều chịu trách nhiệm nhưng họ không nhận phần hơn khi chia sản phẩm. Nếu trải qua nhiều chuyến biển thất thu, thuyền trưởng được bầu chọn sẽ tự nguyện nhường lại vị trí, cầu mong người cầm lái mới đem lại may mắn trong quá trình sản xuất tiếp đến.

Chiều sâu văn hóa

Làng, xóm là một trong những yếu tố cơ bản nhất cấu thành tính cộng đồng của ngư dân Quảng Nam. Thiết chế đó càng làm phong phú các phong tục, tập quán do chính họ cùng nhau đặt ra và duy trì. Mỗi năm, trước lễ chính cúng tế khi tàu xuất bến mở biển hay mãn vụ, khép lại năm sản xuất nhiều biến động, bao giờ ngư dân cũng cùng nhau tề tựu đông đủ. Không ai mời ai, họ chung nhau chuẩn bị mọi việc thật chu đáo. Mỗi khi gia đình ngư dân khác có chuyện không lành, mọi người đều í ới nhau đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà. Môi trường sản xuất của ngư dân có thể gọi là quá khắc nghiệt nên đã trui rèn, giúp họ gắn chặt tình đoàn kết ngày một sâu sắc hơn. Tính cộng đồng của ngư dân càng được củng cố hơn khi phần lớn đàn ông đi biển thì các phụ nữ là mẹ, là vợ của họ tụ tập lại cùng mong ngóng, cùng cầu mong tất thảy mọi người đều trở về an lành khi biển có dấu hiệu thất thường. Nếu chẳng may ai đó trong số họ gặp nạn thì đau đớn cũng là nỗi niềm chung của cả cộng đồng.

Ngư dân Quảng Nam tập trung ở 6 địa phương ven biển. Đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư ven biển rất phong phú, đặc sắc và luôn được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Đó là tục thờ cá Ông - vị thần bảo hộ của họ. Ngư dân luôn tin rằng, cá Ông là vị thần cứu người, cứu tàu mỗi lần gặp tai ương nên họ mai táng, thờ cúng trọng vọng. Họ tin rằng, năm nào cá Ông lụy vào bờ nhiều lần thì năm đó vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa vì được Ông phù hộ, che chở. Trước khi vụ sản xuất chính bắt đầu, thường là ngày 1.4, ngư dân xôm tụ tổ chức lễ hội cầu ngư. Phần việc quan trọng nhất hiển nhiên là cúng tế cá Ông. Lễ hội này diễn ra quy mô, kéo dài trong 2 ngày, đầy đủ 2 phần lễ và hội, bắt đầu là lễ vọng rồi đến lễ nghinh Ông, lễ tế cô hồn nằm lại trên biển, lễ chánh tế cá Ông và diễn xướng bả trạo, hội đua thuyền. Tục thờ cá Ông là tín ngưỡng được hầu hết ngư dân tham gia. Tục thờ cúng của cộng đồng không chỉ là tâm thức tôn giáo mà còn là ứng xử, thích nghi của cộng đồng trong suốt quá trình mưu sinh truyền đời của họ. Tục thờ cá Ông luôn hàm chứa sâu sắc các giá trị nhân văn, biểu hiện sinh động các giá trị văn hóa tinh thần và xã hội, phản ánh tình yêu đời, lạc quan, gắn bó với biển của cộng đồng ngư dân Quảng Nam.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT