Nét mới của ngư dân Thanh Hà
Hoạt động kiêm nghề nên đoàn tàu đánh bắt hải sản ở phường Thanh Hà (TP.Hội An) làm ăn hiệu quả.
Thời gian gần đây, ngư dân Trần Văn Hiền (khối Thanh Chiêm, phường Thanh Hà, TP.Hội An) được nhiều người biết đến là một ngư dân sản xuất giỏi. Hơn một năm qua, anh Hiền mạnh dạn đầu tư tàu có công suất 380CV để vươn khơi bám biển bằng 3 nghề là lưới quét, lưới cá chuồn và thu mua hải sản trên biển. Hoạt động trên biển quanh năm, lại kiêm nghề nên anh Hiền làm ăn hiệu quả với doanh thu hơn 2 tỷ đồng trong năm 2015 vừa qua. Thu nhập của mỗi bạn nghề cũng từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi mùa. Anh Hiền kể, sau nhiều năm sản xuất bằng nghề lưới quét không hiệu quả do tàu có công suất nhỏ, 2 năm trước, anh quyết định bán tàu rồi đầu tư hơn 1 tỷ đồng sắm tàu mới, hoạt động kiêm nghề trên biển.
Ngư dân phường Thanh Hà chuẩn bị ra khơi. Ảnh: QUỐC HẢI |
Mỗi chuyến đi biển của gia đình anh Hiền có thời gian 8 - 9 ngày, ngư trường chủ yếu từ vĩ tuyến 14 đến vĩ tuyến 19, giáp với đảo Hải Nam. Sau khi đánh bắt hoặc thu mua hải sản trên biển, anh Hiền thường hay cập cảng Cửa Việt (Quảng Trị) và Nhật Lệ (Quảng Bình) để bán sản phẩm. Anh Hiền dự định vay thêm vốn để cải hoán, nâng cấp tàu cá có công suất lớn hơn. Đó cũng là nguyện vọng chung của ngư dân toàn phường Thanh Hà. Hiện nay, toàn phường có 78 tàu thuyền đánh bắt hải sản với hơn 200 lao động, công suất bình quân khoảng 60CV/phương tiện. Năm 2015, doanh thu từ khai thác hải sản đạt 23 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với năm 2014. Mấy năm gần đây, đội tàu làm nghề lưới cá chuồn của Thanh Hà ngày một phát triển. Sau mỗi vụ cá, lao động có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hào, cán bộ phụ trách kinh tế phường Thanh Hà, trên địa bàn hiện có ít nhất 5 chủ tàu đang chuẩn bị chuyển sang nghề lưới cá chuồn để sản xuất. Đặc biệt, hầu hết tàu đánh bắt hải sản ở Thanh Hà đều hoạt động kiêm nghề. Mỗi năm, sau khi xong mùa lưới cá chuồn, bà con thu lưới đi “rổi” để thu mua hải sản trên biển về bán lại ở đất liền, sau đó quay về nghề lưới quét khi đến mùa biển động. Nghề cá của địa phương năm nay có sự phát triển đột phá, thu nhập của ngư dân ổn định. “Đối với Thanh Hà thì năm nay rất đột phá đối với nghề biển. Mấy năm trước đoàn tàu theo nghề lưới cá chuồn chỉ 10 chiếc nhưng đến năm 2016 tăng lên 20 phương tiện. Địa phương rất mong tỉnh duy trì các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân để tiếp tục phát triển nghề cá, trong đó đáng chú ý nhất là hỗ trợ vốn vay để ngư dân tiếp cận, đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa. Nếu dựa vào Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản thì ngư dân không tiếp cận được vì vốn đối ứng yêu cầu quá lớn, vượt khỏi khả năng huy động của ngư dân” - ông Hào nói.
Hy vọng, cùng với những cơ chế hỗ trợ phù hợp, ngư dân Thanh Hà sẽ từng bước cải hoán, nâng cấp và đóng mới thêm nhiều tàu cá đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày. Việc hợp tác, tổ chức sản xuất trên biển theo hình thức kiêm nghề của ngư dân cũng cần được địa phương hỗ trợ.
QUỐC HẢI