Bám biển Hoàng Sa
Dù bị cướp phá, đe dọa nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn kiên định vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sửa tàu, vươn khơi
Hôm 28.3, tàu cá QNa-91939 có công suất 635CV hành nghề lưới vây của ngư dân Võ Quang Thái (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) nhổ neo, vươn khơi sau nhiều ngày phải nằm bờ, gián đoạn sản xuất. Ông Thái kể, rất may là Bảo Việt Quảng Nam đã trao 71 triệu đồng tiền bảo hiểm trang thiết bị trên tàu cá để gia đình mua sắm được máy dò đứng, máy liên lạc tầm xa, máy liên lạc tầm ngắn, phục vụ sản xuất xa bờ. Để có thể ra khơi, gia đình ông Thái đã vay 250 triệu đồng để mua lại vàn lưới mới, thay thế vàn lưới đã bị cắt phá làm hỏng hoàn toàn. Tàu cá QNa-91939 dự kiến sẽ bám biển Hoàng Sa trong vòng 15 ngày ở chuyến biển này. “Tôi lo là sẽ không đủ bạn biển để ra khơi, nhưng cũng may ngoài 10 lao động cũ, chúng tôi đón thêm 3 thành viên mới lên tàu. Họ muốn gắn bó lâu dài với tàu cá chúng tôi. Mong ước sao cho chuyến biển có cá, mực đầy khoang, vì mình còn trang trải nhiều khoản, vì thu nhập kha khá của bạn biển” - ông Thái nói. Đứng trên bờ nhìn theo con tàu xa dần, chị Đặng Thị Mỹ Nhân, vợ ông Thái cầu mong trời yên biển lặng để con tàu QNa-91939 còn gắn bó lâu dài với biển khơi Hoàng Sa.
Ngư dân Trần Sinh khẳng định sẽ luôn bám biển Hoàng Sa vì đó là chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Quang Việt |
Tàu cá của gia đình ông Thái ra khơi nhằm ngày 20 âm lịch thì 2 hôm sau, tàu cá QNa-91865 của gia đình ngư dân Trần Sinh (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) cũng vươn khơi. Ông Sinh kể, để ra khơi chuyến này, gia đình đã chạy vạy, mượn 70 triệu đồng, trang bị lại 12 đèn cao áp, phục vụ cho nghề lưới vây ánh sáng hết 50 triệu đồng. Để mua kính, gỗ trang bị lại ca-bin bị vỡ bởi đạn bắn của tàu Trung Quốc, gia đình chi phí gần 20 triệu đồng. Tàu ông Sinh lại bám biển Hoàng Sa ở chuyến biển này vì đây là ngư trường truyền thống. “Mặc kệ sự uy hiếp, đe dọa của tàu Trung Quốc, anh em trên tàu cá chúng tôi vẫn sẽ gắn bó với Hoàng Sa. Điều phẫn nộ nhất của chúng tôi là phía Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam mà còn trắng trợn không cho ngư dân Việt Nam sản xuất. Ngay cả con cá được cất giấu kín trong hầm cũng bị chúng xoi mói, chui xuống xúc lấy cho bằng được” - ông Sinh thổ lộ.
Sâu thẳm Hoàng Sa
Công pháp quốc tế quy định rõ, không có bất kỳ quốc gia nào, lực lượng nào được quyền chĩa súng vào ngư dân khi họ đang sản xuất chính nghĩa trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước họ. Vậy mà, theo phản ánh của ngư dân, lính trên tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 lại bắn thẳng vào tàu cá của ngư dân Quảng Nam. Đó là tội ác, nó đi ngược lại hoàn toàn tinh thần nhân đạo, hòa hiếu mà quốc tế dày công vun đắp, xây dựng. Ngay sau khi tàu cá QNa-91939 bị cướp phá tàn bạo trên biển, Hội Nghề cá Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đòi phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho ngư dân Quảng Nam. Bộ Ngoại giao cũng đã lên tiếng, đòi Trung Quốc dừng ngay các hành động vô nhân đạo với ngư dân Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Hoàng Sa và cả Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Nam. Từ đời này qua đời khác, ngư dân bám biển để mưu sinh và sự hiện diện dân sự của họ là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Suốt gần một tháng qua, ngư dân Quảng Nam xôn xao bàn tán về việc cứ hễ tàu cá đến gần vùng biển Hoàng Sa là phía Trung Quốc ngăn chặn, đe dọa, thậm chí xả súng. Vượt qua nỗi sợ sệt, ngư dân vẫn quyết tâm bám biển. Có thể khẳng định rằng, ngư dân Quảng Nam chưa bao giờ muốn rời xa vùng biển Hoàng Sa, tự sâu thẳm trong họ luôn vọng lên tiếng gọi tha thiết từ Hoàng Sa. Nghiệp biển lắm tai ương nên đã rèn luyện họ trở thành những con người can trường với biển. Và vào những ngày này, vượt qua nhiều biến động, ngư dân lại khẩn trương, vượt sóng, vươn ra Hoàng Sa. “Chúng tôi không hề đơn độc trên biển mà luôn có sự đồng hành từ đất liền. Hễ khi có rủi ro nào xảy đến thì các ban, ngành trên địa bàn tỉnh đều đến thăm, động viên, chia sẻ. Giá trị tinh thần đó cộng với hỗ trợ vật chất về nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, máy dò cá… giúp chúng tôi kiên trì, an tâm bám biển” - ngư dân Lê Duy Tân (thôn Thanh Long, xã Tam Quang), bạn biển tham gia đánh bắt hải sản trên tàu cá QNa-91939 nói. Nhiều ngư dân khác cho biết, đời sống của ngư dân và các cộng đồng ven biển ngày càng được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về y tế, về xây dựng âu thuyền tránh trú bão, khu hậu cần nghề cá, đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng nên sẽ càng quyết tâm bám biển, như nghĩa cử với đời sống, trách nhiệm với biển đảo thiêng liêng.
NGUYỄN QUANG VIỆT