Nghề câu mực vào mùa

VIỆT QUANG 25/02/2016 08:43

Sau lễ chính cúng thần Nam Hải cầu mong trời yên biển lặng vào sáng 16 tháng Giêng âm lịch, ngư dân làm nghề câu mực khơi của xã Tam Giang (Núi Thành) đồng loạt nhổ neo, vươn khơi bám biển Trường Sa.

Nhớ đã chuẩn bị thúng câu, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết cho chuyến biển dài ngày từ trước nên chuyến xuất hành cho mùa biển mới của ngư dân diễn ra nhanh chóng. Trên mỗi tàu có khoảng 40 bạn biển, người ngồi ở mũi, ở lái và đứng trên khoang, vẫy tay chào người thân. Anh Nguyễn Văn Thảng (thôn Đông Xuân, Tam Giang) chia sẻ: “Chuyến câu mực đầu tiên của năm diễn ra trong điều kiện thời tiết thường biến động. Mỗi lần câu mực đều bắt đầu từ đêm tới sáng, gian khổ là vậy nhưng chúng tôi đã quen rồi. Ăn tết với gia đình nhiều ngày qua cũng là thời gian xa biển, chúng tôi nhớ lắm. Chừ thì vui hẳn vì lại sắp đến Trường Sa”. Còn anh Ngô Văn Đồng (xã Bình Minh, Thăng Bình) thì tâm sự: “Tôi đi bạn câu mực khơi được 15 năm nay rồi. Nghề này vất vả hơn hẳn các nghề biển khác nhưng cái được là thu nhập cao. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, mình chỉ lúi cúi câu mực thôi chứ không tiêu xài chi nên thu nhập khá. Thời gian qua, mực xà được giá nên chúng tôi càng hăng hái bám biển”.

Đến hẹn lại lên, mùa biển mới của ngư dân câu mực khơi lại bắt đầu. Khác với vài năm trước, năm nay sản phẩm của nghề ổn định hơn theo đặt hàng của thương lái nên ngư dân phấn khởi vươn khơi. Trong không khí vui tươi đó, chúng tôi bắt gặp đôi mắt đượm buồn của em Huỳnh Văn Thọ ở thôn Đông Xuân. Thọ là người con của ngư dân Huỳnh Văn Kỳ vừa bị cháy tàu câu mực mới đây. Gia đình không còn tàu để sản xuất nên Thọ phải làm bạn biển cho chủ tàu câu mực khác cùng thôn. “Bị cháy tàu, cả gia đình em đứng ngồi không yên trong những ngày qua, không ai muốn làm chi hết. Vậy mà mùa biển mới lại đến, phải bắt đầu chứ không khác được. Em phải xa gia đình, đi biển để mà còn lo cho ngày mai” - Thọ nói. Hành trang đi biển của Thọ không có gì nhiều, chỉ thúng câu, áo quần và rường câu nhỏ bé.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, câu mực khơi không chỉ là nghề chính của người dân địa phương. Cả năm trời, họ quần quật lao động trên biển không ngơi nghỉ cũng chỉ vì tình yêu, niềm gắn bó sâu thẳm với biển. Mỗi năm, ngư dân câu mực khơi trên địa bàn thu được sản lượng mực khô khoảng 15 nghìn tấn, giá trị hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình giàu có nhờ mực khơi nhưng cũng không ít người lao đao, thậm chí là trắng tay vì tai nạn trên biển, cháy tàu… “Sinh nghề tử nghiệp mà, ngư dân ai cũng thấu hiểu điều đó nên họ chấp nhận. Chừ thì họ lại mải miết vươn khơi, ra biển lớn, sống cùng sóng gió ngoài xa. Cầu mong trời yên biển lặng, thần Nam Hải độ trì cho họ có được những chuyến biển thành công trong năm bám biển này” - ông Phạm Văn Châu nói.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG