Niềm vui mới của ngư dân

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/12/2015 09:08

Nghị định 89/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 89) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được triển khai trong vòng nửa tháng qua đã đem lại nhiều niềm phấn khởi cho ngư dân.

Ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 89 được nới hạn trả nợ lên 16 năm.
Ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 89 được nới hạn trả nợ lên 16 năm.

Thêm nhiều ưu đãi

Ngày 25.11, Nghị định 89 được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ở thôn Bình Tân (xã Bình Minh, Thăng Bình), ông Trần Công Hùng vội vã đến UBND xã tìm hiểu về việc cải hoán, nâng cấp tàu cá theo nghị định. Khi được trả lời là tàu cá của gia đình sẽ được sử dụng máy thủy đã qua sử dụng khi nâng cấp chứ không bắt buộc phải dùng máy thủy mới hoàn toàn, ông Hùng rất vui. “Tàu cá QNa-94141 của chúng tôi có công suất 90CV nên chỉ hành nghề chụp mực được ở ngư trường tuyến lộng. Gia đình muốn vươn khơi, sản xuất xa bờ nên đã đăng ký cải hoán nâng cấp theo Nghị định 67 từ bấy lâu nay. Do lúc trước bị bắt buộc phải sử dụng máy thủy mới, tốn đến hàng tỷ đồng, gia đình không đủ sức nên chưa thể đầu tư. Chừ Nghị định 89 thay thế Nghị định 67, cho phép được dùng máy cũ nên chúng tôi sẽ nâng cấp tàu cá ngay khi được vay vốn của ngân hàng” - ông Hùng nói. Tương tự trường hợp của ông Hùng, các ngư dân Đặng Văn Sơn, Trần Hoa, Lê Thanh Trúc, Hoàng Hữu Hoa cùng ở xã Bình Minh cũng hào hứng tìm hiểu cơ chế ưu đãi này nhằm cải hoán, nâng cấp tàu cá.

Gặp lại chúng tôi khi vừa trở về đất liền sau chuyến bám biển đầu tiên của tàu vỏ thép QNa-95997 có công suất 822CV, hành nghề lưới rê hỗn hợp ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Phan Thu tỏ ra rất lạc quan. Anh Thu vui vì được nới hạn trả nợ khi vay vốn đóng tàu vỏ thép từ 11 năm lên 16 năm khi Nghị định 89 có hiệu lực. “Thời hạn trả nợ được nới lỏng thì mình sẽ giảm được rất nhiều áp lực ở mỗi chuyến vươn khơi. Chừ thì vẫn rất quyết tâm thu được các mẻ lưới đầy nhưng quá trình đánh bắt hải sản cũng có phần thong thả hơn. Việc sản xuất trên biển cũng vì thế mà được chủ động hơn” - anh Thu nói. Thời điểm này, tàu vỏ thép được đóng mới tại Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng Công ty Sông Thu, Bộ Quốc phòng) của ngư dân Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) cũng sắp sửa hoàn thành. Anh Chi cho biết sẽ vươn khơi ngay sau khi tàu cá được hạ thủy vào tháng 12 này. “Mình rất háo hức với chuyến “mở biển” của tàu vỏ thép. Càng có động lực hơn khi biết được nới lỏng thời gian trả nợ ngân hàng từ 11 năm lên 16 năm. Được tạo điều kiện thuận lợi như vậy ngư dân càng quyết chí bám biển” - anh Chi nói.

Nghị định 89 được triển khai, ngư dân trên địa bàn tỉnh còn nhận được nhiều ưu đãi hơn so với Nghị định 67 trước đây. Cụ thể, ngư dân đóng xong tàu vỏ thép hay composit sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí thiết kế tàu cá. Ngư dân là các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tham gia sản xuất trên các vùng biển xa sẽ được Nhà nước hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV, 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Chủ động triển khai

Ngư dân vui vì được sử dụng máy thủy cũ nhưng vấn đề đặt ra là máy cũ trên tàu cá có đảm bảo chất lượng khi hoạt động trên các vùng biển xa có điều kiện thời tiết rất phức tạp? Về điều này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngày 13.11.2015, Bộ KH&CN đã ban hành thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Trên cơ sở thông tư này, máy thủy cũ được mua về để lắp đặt trên tàu cá của ngư dân phải đáp ứng được điều kiện là thời gian được dùng trước đây chưa quá 10 năm. Máy thủy cũ phải được nước ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Với các quy định như trên thì máy thủy cũ đảm bảo chất lượng khi hoạt động trên tàu cá được ngư dân cải hoán, nâng cấp. Một băn khoăn khác, Quảng Nam sẽ triển khai các quy định trên như thế nào? Ông Ngô Tấn cho hay: “Máy thủy cũ được lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Quảng Nam khi cải hoán, nâng cấp bắt buộc phải có hồ sơ, thủ tục, chứng thư giám định rõ ràng theo quy định trong thông tư của Bộ KH&CN. Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam sẽ kiểm tra kỹ càng các hồ sơ, thủ tục, chứng thư giám định đó, được đảm bảo mới cho lắp đặt”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại số tiền trả nợ của ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép cho phù hợp với thời hạn trả nợ là 16 năm, thay vì 11 năm như trước đây. Để triển khai Nghị định 89 sát với thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng mới cũng như cải hoán nâng cấp tàu cá. Ngoài 2 ngân hàng BIDV Quảng Nam và Agribank Quảng Nam đã tích cực triển khai cơ chế hỗ trợ ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện Nghị định 67 trước đây, nay là Nghị định 89 thì 2 ngân hàng thương mại khác là Vietinbank và Vietcombank cũng phải tham gia chương trình này. Tính từ thời điểm ngày 7.7.2014, khi Nghị định 67 có hiệu lực đến nay, 2 ngân hàng Vietinbank và Vietcombank vẫn chưa ký hợp đồng vay vốn đóng mới hay cải hoán tàu cá nào với ngư dân dù UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT