Hướng dẫn nuôi tôm theo quy trình

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 19/03/2015 10:15

Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ vụ I năm 2015 cho nông dân tại xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú và phường Hòa Hương.
Đầu tiên là hướng dẫn quy trình theo từng bước một, như cải tạo ao, vì đây là công đoạn quan trọng quyết định đến năng suất nuôi, tiếp đến là kỹ thuật bón vôi, cấp nước, diệt tạp, kỹ thuật chọn giống. Xét thấy công việc nào cũng cần thiết, bởi để hạn chế được dịch bệnh, sau khi cải tạo ao, người nuôi cần phải bón vôi lần 1, phơi khô đáy ao 5 - 7 ngày, sau đó cày úp lại và bón vôi lần 2, tiếp đến là cấp nước vào ao lắng, xử lý bằng hóa chất hoặc sử dụng men vi sinh. Đối với hồ nuôi không có ao lắng thì nước lấy vào phải qua túi lọc để ngăn không cho rác và vật chủ trung gian đưa mầm bệnh vào ao nuôi. Công việc cuối cùng trước khi thả tôm nuôi là gây màu nước nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu xuống đáy ao làm phát triển tảo đáy, hạn chế độ phân hủy chất hữu cơ. Ngoài ra, các lớp tập huấn còn hướng dẫn bà con nông dân nhận biết và cách phòng ngừa một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi như bệnh virút đốm trắng, bệnh chân đỏ, bệnh hoại tử mang, bệnh đóng rong, bệnh cong thân…

 Hướng dẫn các hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm quy trình.
Hướng dẫn các hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm quy trình.

Đến nay, toàn thành phố đã có 50/130ha mặt nước đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Để đạt kết quả trong vụ nuôi này, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân nên thả tôm nuôi thương phẩm từ ngày 5.3 trở đi và kết thúc 2 vụ nuôi trước ngày 30.9. Trong quá trình nuôi, bà con nông dân cần giữ môi trường nước trong sạch, bổ sung vitamin C, khoáng để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Định kỳ bón CaCO3, Dolomite với lượng 10 - 15kg/ha và các chế phẩm sinh học khác như Avegron, BRF2, Supper VS, Aquakit, PrawBac… Đặc biệt, hàng ngày cần theo dõi tôm bắt mồi, thường xuyên kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần thực hiện nghiêm quy trình 5 ít, 4 nhiều, 3 không. Trong đó 5 ít là cho ăn ít trong 5 trường hợp: thời kỳ tôm còn nhỏ; khi nhiệt độ quá cao; trời âm u; chất nước kém; thời kỳ tôm lột vỏ. 4 nhiều là cho tôm ăn nhiều trong 4 trường hợp: nơi tôm tập trung nhiều; khi chất nước tốt; khi nhiệt độ thích hợp; trước khi thu hoạch. Và 3 không là không cho ăn trong 3 trường hợp: khi chất nước xấu, chất lượng thức ăn không tốt, thức ăn thừa ở đáy ao nhiều.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC