Cựu chiến binh bám biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/09/2014 08:38

Ngày 8.9, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức gặp mặt hội viên là ngư dân tham gia khai thác hải sản xa bờ, động viên các CCB tiếp tục bám biển dài ngày, góp phần làm giàu cho quê hương và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cựu chiến binh Huỳnh Văn Tạo bên chiếc tàu đánh bắt xa bờ của gia đình. Ảnh: NG.THÀNH
Cựu chiến binh Huỳnh Văn Tạo bên chiếc tàu đánh bắt xa bờ của gia đình. Ảnh: NG.THÀNH

Nỗ lực vươn khơi

CCB Phạm Ca (thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải, Núi Thành) là một trong những ngư dân tiêu biểu được tuyên dương tại buổi gặp mặt. Đi bộ đội từ năm 1976, ông Ca rời quân ngũ về lại quê hương vào năm 1982, tham gia Hội CCB xã Tam Hải. Trong những năm 1990 - 2000, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã, ông Ca vận động hội viên góp vốn đóng các tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ. Vốn quen sản xuất gần bờ, nhưng rồi các bỡ ngỡ ban đầu khi vươn khơi xa nhanh chóng qua đi khi đội tàu của các CCB liên tục đánh bắt hiệu quả. Khi xu hướng vươn khơi xa ngày càng lớn mạnh ở Tam Hải, ông Ca tách riêng, đóng tàu QNa - 91955 có công suất 420CV bám biển bằng nghề lưới vây ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi năm, trung bình tàu cá do ông làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu bám biển được 12 chuyến. “Bình quân mỗi chuyến biển tàu tôi đánh bắt 10 tấn cá, bán được khoảng 200 triệu đồng; trừ chi phí, lãi khoảng 50 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia khoảng 7 triệu đồng. Từ lúc rời quân ngũ đến nay, tính ra tôi đã sản xuất trên các vùng biển xa trong khoảng thời gian hơn 20 năm” - CCB Phạm Ca nói.

Trong số 162 đại biểu đại diện cho 217 CCB là ngư dân khai thác hải sản xa bờ của Quảng Nam tham gia buổi gặp mặt, ai cũng bày tỏ sự thán phục trước CCB Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), khi ông chia sẻ nỗ lực vươn khơi sản xuất tại các ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Tạo đang sở hữu đội tàu 3 chiếc đánh bắt hải sản xa bờ. Trong thời gian qua, ông là một trong những ngư dân tiêu biểu hăng hái tham gia diễn tập theo Nghị định 30 của Chính phủ về bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền. Tháng 5 vừa qua, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, ông Tạo đã 2 lần tham gia vào đội tàu đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo tại ngư trường này. Theo ông Tạo, để các CCB phát huy hơn nữa truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ trong bám biển, các ban ngành cần thiết thực tiếp sức. “Khi bị tàu Trung Quốc xua đuổi trái phép, tàu chúng tôi tiêu hao nhiên liệu hơn bình thường rất nhiều. Ấy vậy mà việc triển khai hỗ trợ nhiên liệu đi về sau mỗi chuyến biển lại diễn ra quá chậm. Tại các buổi gặp mặt ngư dân trước đây, ngành thủy sản cũng đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng kiện toàn khu neo đậu tàu cá An Hòa mà đến nay vẫn chưa khởi động. Máy liên lạc tầm xa được hỗ trợ đến nay chưa phát huy tác dụng. Ngư dân chúng tôi rất mong các ban ngành triển khai nhanh, hiệu quả chính sách hỗ trợ của trung ương để ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển” - ông Tạo nói.

Động viên bám biển

Tại buổi gặp mặt, Thượng tá Lê Trọng Phổ - Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 2 thông tin đến các CCB tham gia sản xuất xa bờ về âm mưu của Trung Quốc đối với biển Đông và chủ trương xử lý của Đảng và Nhà nước ta. Theo Thượng tá Lê Trọng Phổ, tổ chức xâm lấn vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xua đuổi ngư dân bằng nhiều hành động trái với luật pháp quốc tế ngày càng làm rõ thêm tham vọng bành trướng biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ lập trường giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Sự hiện diện của ngư dân Quảng Nam tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Trong thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 2 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp làm tốt công tác ngăn cản tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Vùng Cảnh sát biển 2 cũng đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa vững chắc cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống, nhất là Hoàng Sa. Lực lượng cảnh sát biển luôn sát cánh đồng hành với ngư dân, rất mong các CCB tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, năng động vươn khơi, làm giàu cho đất nước và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng của Tổ quốc” - Thượng tá Lê Trọng Phổ nói.

Dịp này, Trung tá Quách Thiện Dư - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cũng đã phổ biến thông tin về Luật biển Việt Nam năm 2012 để các CCB nắm rõ thêm về đường cơ sở, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo… Đáng chú ý là sự khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chia sẻ với hội viên CCB, ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội CCB tỉnh nói: “Trong thời gian qua, các CCB đã kiên trì bám biển, sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Mỗi người luôn gắng sức đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua buổi gặp mặt này, hy vọng các CCB càng có thêm niềm tin, tiếp tục vươn khơi bám biển góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT