Hỗ trợ nguồn lực vươn khơi: Điều kiện vay thông thoáng
So với trước đây, chính sách hỗ trợ ngư dân có quy mô lớn hơn, điều kiện vay vốn thông thoáng hơn nhưng nhiều người khuyến cáo ngư dân cần tính toán, cân nhắc trước khi tiếp cận nguồn vốn vay.
Chính sách hỗ trợ ngư dân lần này được kỳ vọng sẽ giúp ngư dân làm chủ phương tiện vươn khơi bám biển. Ảnh: Q.VŨ |
Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, thời hạn cho vay đối với các phương tiện đánh bắt hải sản sẽ kéo dài 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay, lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm… Đặc biệt, chính sách hỗ trợ này cũng cho vay tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản. Đây được xem là điều kiện thông thoáng, tạo cơ hội cho ngư dân Quảng Nam mạnh dạn vươn khơi bám biển. Bởi, hiện không ít ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về thời hạn trả nợ và việc thế chấp tài sản khi vay vốn của các tổ chức tín dụng. Bà Nguyễn Thị Giới (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành), một người từng đứng ra vay vốn đóng tàu câu mực khơi, cho biết: “Làm nghề câu mực khơi chuyến được chuyến mất, năm nào thời tiết không thuận lợi thì chỉ ra khơi được vài chuyến, loay hoay tới ngày trả tiền lãi và gốc ngân hàng, biết lấy đâu ra? Thêm điều nữa là trước mỗi chuyến ra khơi phải phí tổn khoảng 500 triệu đồng, số tiền này khó xoay xở bởi không có tổ chức nào cho vay, trong khi người dân đã gom hết vốn để góp thêm đóng tàu, rứa là phải “bốc nóng”, nếu chuyến biển gặp rủi ro hoặc khai thác không hiệu quả, nợ chồng nợ. Bạn biển câu không được, vào bờ thâm tổn thì không đi nữa, mình phải gánh nợ cho họ…”.
Cho vay với số tiền lớn, tương đương với giá trị phương tiện đánh bắt xa bờ là điểm nổi trội, giúp những ngư dân có kinh nghiệm thực hiện ước mơ làm chủ phương tiện, vươn khơi bám biển. Theo ông Trần Công Tú (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình), trước đây Trung ương và tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng để cải hoán, đóng mới tàu xa bờ nhưng điều kiện hơi khắt khe, thủ tục rườm rà, thời hạn vay ít và mức vay lại không cao nên chưa tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư phương tiện. Hiện ông Tú đã được Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam quyết định cho vay 1 tỷ đồng không lãi suất để đóng mới phương tiện có công suất 450CV. Ông cho biết, mức vốn này còn ít so với tổng vốn đầu tư cho phương tiện (khoảng 3 tỷ đồng). Khi nghe tin chính sách hỗ trợ ngư dân vừa được ban hành, ông Tú sốt sắng tìm hiểu để có thể tiếp cận nguồn vốn vay này, góp thêm đầu tư cho con tàu sắp ra đời.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản cũng có nhiều cơ chế tạo điều kiện phát triển hậu cần nghề cá - vốn là điểm yếu của ngành thủy sản Quảng Nam khiến hiệu quả sản xuất chưa cao. Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các chủ tàu cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản nếu đóng mới tàu vỏ thép sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới; có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần với lãi suất 7%/năm. Ông Nguyễn Văn Giỏi – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho rằng, ngư dân hiện gặp khó khăn về tiêu thụ hải sản, giá cả bấp bênh cũng bởi hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Hầu hết phương tiện khai thác xa bờ tự lo khâu tiêu thụ sản phẩm là chủ yếu nên hiệu quả sản xuất thấp. Tuy nhiên, nghề dịch vụ hậu cần trên biển khó phát triển suôn sẻ bởi liên quan đến nhiều khâu, tháo gỡ nguồn vốn cũng là một cách để khuyến khích người dân có phương tiện hợp sức tìm kiếm đầu ra, ổn định thị trường.
Cũng theo ông Giỏi, nguồn vốn cho vay hỗ trợ lần này sẽ dồi dào hơn nhưng cũng “kén chọn” đối tượng vay vốn để tránh những “sai lầm” trước đây về thực hiện chính sách khuyến khích đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy chưa có quy định cụ thể về điều kiện vay vốn nhưng có lẽ yếu tố tiên quyết phải là những người có nhu cầu thật sự, ngư dân có kinh nghiệm, năng lực… “Trước mắt ngành chức năng sẽ tuyên truyền về chủ trương, tư vấn cho ngư dân phát triển nghề nghiệp để chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương và phát huy hiệu quả. Về phía ngư dân cũng tính toán thật kỹ khi quyết định vay vốn bởi dù lãi có thấp nhưng phải sản xuất có hiệu quả thì mới hoàn trả được, làm ăn thất bát để tàu nằm bờ thì chi phí hao mòn còn hơn lãi suất. Nguồn vốn vay ưu đãi nào cũng không thể là “miếng thịt làng” nên phải thật cân nhắc!” - ông Giỏi nói.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản. Cụ thể: - Đóng mới tàu hải sản xa bờ (công suất 400CV trở lên), bao gồm máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản: + Đóng mới tàu vỏ thép (công suất từ 400CV đến dưới 800CV): chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm. + Đóng mới tàu vỏ thép (công suất từ 800CV trở lên): chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. + Đóng mới tàu vỏ gỗ: chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. - Nâng cấp tàu vỏ gỗ (công suất dưới 400CV thành tàu có công suất từ 400CV trở lên): chủ tàu được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. |
MINH ĐỨC