Cộng đồng bảo vệ
Bằng nhiều hình thức khác nhau, thời gian qua, các cộng đồng dân cư đã chung tay bảo vệ tài nguyên biển đảo. Sự bền vững của các giá trị tài nguyên này cũng là cơ sở giúp họ ổn định sinh kế...
Thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) là điển hình về đa dạng sinh học, đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo. Từ khi Quảng Nam thông qua quy chế quản lý Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (ngày 3.7.2013) đến nay, chính người dân nơi đây đã trực tiếp quản lý, sử dụng và bảo vệ đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo. Ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã đảo Tân Hiệp cho biết: “Từ khi được trực tiếp quán xuyến mọi hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên biển đảo, cộng đồng dân cư thôn Bãi Hương đã điều phối rất tốt. Những nhà quản lý “chân đất” đã trực tiếp tổ chức sử dụng đi đôi với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo. Qua việc kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, họ đã kịp thời ứng dụng các chính sách quản lý mới, đem lại hiệu quả cao trong đồng quản lý”. Trước khi Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương được thành lập, nguồn lợi hải sản, đa dạng sinh học tại đây luôn bị đặt trong tình trạng báo động do khai thác trái phép nhưng từ khi tiểu khu ra đời đến nay, tài nguyên biển đảo ở đây được bảo vệ hợp lý. Điều cốt yếu là Tiểu khu đồng quản lý thôn Bãi Hương đã giải quyết thấu đáo xung đột trong khai thác nguồn lợi giữa người dân nơi đây với cộng đồng bên ngoài; xây dựng kế hoạch hành động và cơ chế tài chính thích hợp để duy trì hoạt động; tìm kiếm các loại hình sinh kế bổ trợ, thay thế để hạn chế cường lực khai thác hải sản.
Biển Cù Lao Chàm. |
Thời gian qua, hoạt động du lịch ngày một phát triển hơn tại xã đảo Tân Hiệp, thôn Bãi Hương không thể đứng ngoài xu thế đó. Cộng đồng dân cư đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch từ tài nguyên biển đảo, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, cải thiện sinh kế. Tuy nhiên, TS. Chu Mạnh Trinh cho rằng, qua hoạt động của Tiểu khu đồng quản lý thôn Bãi Hương, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã nhận thấy các mâu thuẫn giữa người dân địa phương với người ngoài tiểu khu bảo tồn biển khi cộng đồng dân cư mới chỉ nhận được 1/3 lợi nhuận, phần còn lại là thuộc về các đơn vị tổ chức tour du lịch. “Phương thức đồng quản lý qua Tiểu khu bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã chỉ ra lợi ích của cộng đồng chỉ đạt ngưởng cao nhất khi họ chọn lọc sản phẩm du lịch khả thi nhất, đề cao tính liên kết giữa các sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch và tính toán, điều tiết hợp lý lượng khách du lịch đến tham quan” – TS.Trinh nói.
Trong khi người dân Bãi Hương trực tiếp bảo tồn biển thì cộng đồng dân cư xã Tam Hải (Núi Thành) cũng đã trồng rừng ngập mặn để làm phong phú nguồn tài nguyên ven biển, đồng thời chống sạt lở, xâm thực bờ biển. Theo thống kê của UBND huyện Núi Thành, nếu như trước năm 1990 diện tích rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn xã Tam Hải là hơn 30ha thì sau quá trình ồ ạt nuôi tôm nước lợ, diện tích này chỉ còn lại khoảng 10ha vào năm 2009. Nhận thức được tầm quan trọng “lá chắn xanh” của rừng ngập mặn, từ năm 2013 đến nay, cộng đồng dân cư xã Tam Hải đã ra quân trồng rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Si. Khi bắt tay vào việc, cộng đồng dân cư đã thống nhất ngoài việc bảo vệ, tránh suy giảm các diện tích còn lại của sú, vẹt, đước thì mỗi năm phải trồng thêm được 1,5ha rừng. Để bảo vệ rừng ngập mặn, cộng đồng dân cư đã đặt ra và thực hiện quy ước là không được chặt cây, hái lá, không khai thác các nguồn lợi, không được đổ rác thải trong khu vực rừng ngập mặn và phải có trách nhiệm dọn vệ sinh chung trong khu vực này… Sau một năm triển khai, ngoài 1,5ha rừng ngập mặn được trồng thêm, cộng đồng dân cư xã Tam Hải cũng đã hạn chế tối đa các tác động xấu đến rừng ngập mặn.
Đa dạng sinh học được cộng đồng thôn Bãi Hương bảo vệ. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, sau một năm triển khai, lớp bồi lắng của phù sa sẽ giúp rừng ngập mặn tại Cồn Si phát triển tốt. Theo đó, vai trò “tấm lá chắn” sẽ được phát huy trong thời gian đến. Bên cạnh đó là sự phong phú và đa dạng của các chủng loại thủy hải sản như cá, tôm, cua, hàu… sinh sống quanh rừng ngập mặn sẽ bổ trợ sinh kế cho người dân, góp phần cải thiện thu nhập cho họ.
NGUYỄN QUANG VIỆT