Tái cơ cấu nghề khai thác hải sản: Hiện đại hóa đội tàu xa bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 14/06/2014 08:27

Nâng cao năng lực đánh bắt lẫn chất lượng hải sản sau khai thác là mục tiêu quan trọng hướng đến công nghiệp hóa nghề biển của Quảng Nam. Mục tiêu này đang được triển khai bằng các biện pháp cụ thể.

Chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm sẽ nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm sẽ nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nâng cao năng lực khai thác

Nâng số lượng và công suất đội tàu đánh bắt xa bờ là điều kiện tiên quyết để phát triển nghề đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, số tàu cá có công suất từ 90CV trở lên của Quảng Nam vào thời điểm này là 404 chiếc, mục tiêu nâng số tàu cá này đến năm 2020 để tái cơ cấu khai thác hải sản là 600 chiếc. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, nguồn vốn mà ngư dân trên địa bàn tỉnh có thể huy động được để đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu có công suất lớn là rất thấp. Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn giải ngân từ các chương trình, dự án của trung ương để ngư dân tiếp cận vốn. Quảng Nam sẽ tăng cường vốn để Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ vốn vay không lãi suất, giúp ngư dân đóng mới tàu công suất lớn. “Cùng với việc tăng hạn mức đầu tư cho ngư dân bằng cơ chế vay hợp vốn, đồng cho vay giữa Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp thay cho hỗ trợ thông qua tín dụng ngân hàng để ngư dân tiếp cận dễ dàng hơn. Cơ chế thoáng như vậy mới có thể đáp ứng được mục tiêu nâng số tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam lên con số 600 chiếc vào năm 2020” - ông Tấn nói.

Ngoài tăng số tàu có công suất lớn lên 600 chiếc, Quảng Nam sẽ chuyển giao các mô hình đánh bắt có hiệu quả kinh tế cao ở các ngư trường xa bờ cho ngư dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi. Ông Trần Quang Kiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết: “Ngoài nghề lưới rê 3 lớp cải tiến được ứng dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi đã nghiên cứu, hội thảo để có thể nhân rộng nghề lưới rê hỗn hợp giúp ngư dân tăng hiệu quả đánh bắt”. Sau thời gian thử nghiệm máy dò ngang để dò tìm đàn cá, ngành thủy sản Quảng Nam đã tính đến việc hỗ trợ một phần kinh phí giúp ngư dân trang bị loại máy này...

Tăng giá trị hải sản

Theo Sở NN&PTNT, hải sản của ngư dân Quảng Nam từ lúc đánh bắt được cho đến khi tiêu thụ bị hao hụt chất lượng 25 - 30% nên giá bán rất thấp, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nguyên nhân là quy trình bảo quản thủ công, lạc hậu khiến cho chất lượng, giá trị sản phẩm thấp. Ông Ngô Tấn cho biết, thời gian đến, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để triển khai thí điểm 2 mô hình bảo quản hải sản mới bằng hầm bảo quản theo công nghệ tiên tiến với vật liệu bọt xốp thổi polyurethane (PU) kết hợp với lót hầm tàu cá bằng inox thay cho hầm gỗ. Hầm gồm lớp cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU và một lớp lót bằng inox. Bọt xốp PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu, không cho thấm nước, giữ lạnh rất tốt. Theo tìm hiểu, trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa và TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí để ngư dân triển khai mô hình bảo quản hải sản mới này. Sau khi triển khai, bình quân mỗi chuyến biển của ngư dân giảm được hơn 100 cây đá/tàu. Ngoài ra, sản phẩm kém chất lượng sau mỗi chuyến đánh bắt giảm từ 6 tạ xuống 1 tạ. Giá bán sản phẩm tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg nên thu nhập của ngư dân tăng lên hàng trăm triệu đồng sau một năm bám biển.

Thời gian qua, đầu ra của hải sản thiếu ổn định, quá phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Đơn cử là giá mực xà dao động liên tục, từ 120.000 đồng/kg  giảm còn 50.000 đồng/kg và thời điểm này là 70.000 đồng/kg. Nhiều khi ngư dân bị thương lái ép giá. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại tăng do ngư dân phải liên tục vào bờ bán sản phẩm rồi tiếp nhiên liệu, thu mua nhu yếu phẩm trở ra biển sản xuất. Để hạn chế tình trạng này, Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian đến sẽ tạo chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, ngành sẽ hỗ trợ kinh phí để hình thành 3 tàu cá chuyên biệt làm dịch vụ hậu cần trên biển. Qua đó, dịch vụ hậu cần nghề cá xuất hiện ngay trên ngư trường ngư dân đang khai thác. Đồng thời ngành thủy sản sẽ tổ chức lại sản xuất của ngư dân theo hướng trong cùng tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển vừa có tàu khai thác vừa có tàu dịch vụ.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT