Bất ổn thị trường tôm nguyên liệu
Sau thời gian tăng đột biến, giá tôm thương phẩm liên tục giảm trong thời gian gần đây khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh lo lắng vì đã đầu tư quá lớn từ đầu vụ.
Thâu tóm thị trường
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở thu mua tôm nguyên liệu như cơ sở của bà Võ Thị Hồng, Phạm Thị Lâm (xã Tam Hòa, Núi Thành) hay Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Bản (xã Tam Xuân 2, Núi Thành). Các cơ sở này trực tiếp thu mua tôm thương phẩm tại ao nuôi của nông hộ rồi “nhượng” lại cho thương lái Trung Quốc chuyển về nước chứ không bán trực tiếp cho các cơ sở chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh. “Nhượng lại tôm thương phẩm cho thương lái Trung Quốc chúng tôi thu lợi nhuận nhiều hơn khi bán lại cho các cơ sở chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh. Buôn bán để thu lợi nhuận nên chúng tôi phải làm vậy còn nông dân họ thấy có lãi thì nuôi thôi chứ chúng tôi không biết gì. Thương lái Trung Quốc sau khi tăng giá tôm khiến nông dân tập trung đầu tư sản xuất, họ giảm giá mua vào thời điểm này với lý do là hàng hóa dư thừa, chưa thể tiêu thụ hết trong một sớm, một chiều” - bà Bản nói.
Thu hoạch tôm nguyên liệu tại Quảng Nam. Ảnh: N.Q.V |
Mặc dù không trực tiếp thu mua tôm tại thị trường Quảng Nam nhưng qua các chủ cơ sở thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết thương lái Trung Quốc đã và đang tận thu và “độc quyền” nguồn nguyên liệu này. Do chủ động về giá cả, thương lái Trung Quốc đã thao túng thị trường tôm nguyên liệu. Điều đó đã gây bất lợi và tổn hại lớn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Quảng Nam trong suốt thời gian dài. “Doanh nghiệp không có hàng để chế biến mặc dù đã ký hợp đồng từ trước nên mất bạn hàng mà không thể nào “trở tay” kịp. Giá xuất khẩu thành phẩm không tăng trong khi giá tôm nguyên liệu lại quá cao nên chúng tôi không thể “đua” với thương lái Trung Quốc trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào được” - ông Văn Công Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Việt Quang chuyên xuất khẩu thủy sản đông lạnh nói.
Nơm nớp lo
Theo quan sát của chúng tôi, giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Nếu như từ đầu tháng, 1kg tôm thương phẩm cỡ 75 con bán được khoảng 160 nghìn đồng thì hiện nay dao động trong khoảng 130 - 140 nghìn đồng. Còn cỡ tôm 100 con/kg chỉ còn khoảng 100 nghìn đồng/kg trong khi cách đây chưa đầy nửa tháng, các nông hộ bán được 120 - 130 nghìn đồng. Ông Đỗ Vạn Hùng, chủ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở thôn Hòa An (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết: “Giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 20 - 30 giá trong thời gian qua đã khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Sợ giá tôm tiếp tục giảm nên gia đình đã bán với giá thấp, chỉ 100 nghìn đồng/kg tôm cỡ 105 con. Với giá bán này, gia đình phải chịu lỗ do không bù được chi phí đầu tư”. Đầu năm 2014, gia đình ông Hùng đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 4.500m2. Do phải đầu tư từ đầu gồm chi phí đào ao, lót bạt, mua tôm giống, thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản, công lao động…, gia đình đã tốn 1 tỷ đồng. Thu hoạch vụ nuôi vừa qua, gia đình ông Hùng thu được 3 tấn tôm tại mỗi ao nuôi, bán được tổng cộng 900 triệu đồng. Như vậy, ở vụ nuôi này, gia đình ông Hùng đã phải lỗ 100 triệu đồng.
“Các buổi làm việc của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong thời gian gần đây đều cho thấy sự phối hợp giữa các bộ ngành còn thiếu chặt chẽ dẫn đến không quản lý hết lượng hàng hóa đã xuất sang Trung Quốc. Cả nông dân nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến tôm nguyên liệu đều lao đao do thương lái Trung Quốc khống chế giá tôm nguyên liệu. Để hạn chế được tình trạng trên, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất một cách bài bản hơn”. Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT |
Tại thôn Hòa Bình (Tam Hòa, Núi Thành), các nông hộ cũng đang lâm vào cảnh “ngồi trên lửa” khi giá tôm liên tục giảm trong thời gian qua. “Thấy các nông hộ thu được hàng trăm triệu đồng khi chỉ nuôi tôm trên 1 ao nuôi trong năm vừa qua nên gia đình chúng tôi cũng quyết tâm đầu tư nuôi tôm trên 2 ao nuôi có tổng diện tích 2.000m2 trong năm 2014 này. Khi đầu tư rồi mới thấy các khoản phí cao đến thế nào. Cứ trung bình một ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiêu tốn đến 350 triệu đồng. Chừ thu hoạch mỗi ao nuôi cũng chỉ đem lại hơn 2 tấn tôm, bán được khoảng 200 triệu đồng. Dành dụm được bao nhiêu tiền của, chúng tôi đã “trút” xuống ao nuôi rồi. Còn tiền lãi ngân hàng thì chưa biết sẽ trả thế nào đây” - ông Nguyễn Văn Hùng, chủ hộ nuôi tôm tại thôn Hòa Bình cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do thương lái Trung Quốc đẩy giá tôm lên cao đến ngất ngưởng trong năm vừa rồi nên người dân tại các vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh đua nhau phá vườn làm ao nuôi tôm. Vào thời điểm này, giá tôm rớt thê thảm, thu không bù được chi nên nhiều nông hộ lâm vào cảnh thua lỗ. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo, người nuôi tôm nên bình tĩnh, theo dõi diễn biến của thị trường, hạn chế thu hoạch tôm ồ ạt, tránh tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc ép giá. Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh cũng đã xúc tiến chống lại tuyên bố sơ bộ về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ nên nhiều khả năng mức thuế chính thức sẽ giảm. Điều này sẽ tạo điều kiện để các công ty chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh tiếp cận thị trường tôm thương phẩm tại Quảng Nam. Đây là cơ sở để giá tôm có thể ổn định trong thời gian đến.
NGUYỄN QUANG VIỆT