Tiếng gọi từ biển…

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/03/2014 09:13

Với ngư dân huyện Núi Thành - lực lượng khai thác hải sản hùng hậu nhất Quảng Nam - tiếng gọi từ biển luôn vang vọng trong tâm khảm. Bằng động lực đó, họ đã mạnh dạn đóng mới tàu lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm giàu từ biển.

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo chuẩn bị ra khơi cùng đội tàu của mình.  Ảnh: Q.VIỆT
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo chuẩn bị ra khơi cùng đội tàu của mình. Ảnh: Q.VIỆT

Vươn khơi

Vừa mới cập cảng hôm qua thì sáng nay ngư dân Huỳnh Văn Tạo đã lại ra khơi xa. Chia tay chúng tôi để ra biển cùng đội tàu 3 chiếc của mình, ông chia sẻ: “Thời buổi vật phẩm tăng giá chóng mặt này, mình càng phải cần cù bám biển để bù lại chi phí. Vả lại, đội tàu chúng tôi có chiếc làm “hậu cần” nên có thể tăng thời gian bám biển mà lại hạn chế được chi phí xăng dầu”. Năm nay tròn 50 tuổi, người đàn ông sinh ra từ làng biển Sâm Linh Đông (xã Tam Quang) cả đời đã gắn bó với biển. Chắt chiu dành dụm từ mấy mươi năm bám biển, ông mới đóng được chiếc tàu QNa 91144 (công suất 550CV), cách đây đúng 4 năm. Bằng con tàu này, mỗi năm gia đình ông có 12 chuyến vươn khơi bằng nghề lưới vây. Sau khi khấu hao chi phí, tổng kết năm đầu tiên khai thác hải sản bằng tàu lớn, gia đình ông lãi hơn 2 tỷ đồng. Tận dụng từng khoản thời gian để bám biển, 3 năm sau, ông Tạo đã thành lập được đội tàu “khủng” gồm 3 chiếc: QNa 91144, QNa 90398 và QNa 90244, tổng công suất 1.650CV, ngày đêm bám biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong số 2.379 phương tiện sản xuất trên biển hiện có, Núi Thành có 222 tàu hoạt động trên các vùng biển xa với 90 tàu công suất từ 400CV trở lên, trong đó có chiếc tàu công suất lớn nhất Quảng Nam 1.054CV. Nội lực nghề cá lớn, chỉ tự thân vận động mà nhiều ngư dân trên địa bàn đã đóng mới được tàu lớn sau khi đến với biển từ đôi bàn tay trắng. Câu chuyện bám biển của gia đình anh Phạm Văn Châu ở thôn 2, xã Tam Hải, cứ theo mãi chúng tôi vì sự can trường với biển. Người đàn ông sinh năm 1972 này tâm sự: “Sản xuất trên vùng biển của Tổ quốc mình mà lại phải sợ sự xua đuổi phi pháp của tàu nước khác ư? Mặc dù chúng rất manh động nhưng ngư dân chúng tôi không vì thế mà không ngày đêm bám biển đánh bắt hải sản tại đây”. Tích cóp hơn 22 năm, nay anh Châu đã đóng được tàu QNa 95959 công suất đến 600CV. Để có được thành quả như vậy, anh đã kinh qua hơn 10 năm đi “bạn” bằng đủ các nghề câu mực, lưới vây, chụp mực cho các chủ tàu ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi. “Chừ thì mình đã có thể hiên ngang bám biển bằng con tàu của chính mình” - anh Châu hào sảng nói. Anh cũng đã trang bị cho tàu của mình đầy đủ hệ thống định vị toàn cầu (GPS), máy dò cá… để vươn khơi bằng niềm thôi thúc mãnh liệt.

Ngày càng lớn mạnh

Được tiếp sức từ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh, huyện Núi Thành đã và đang đóng mới 10 tàu có công suất từ 600CV trở lên, và có 6 trong số đó đã được hạ thủy. Từ Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND sửa đổi của UBND tỉnh, trong năm 2013, ngư dân trên địa bàn Núi Thành đã được hỗ trợ 239 triệu đồng để đóng mới và cải hoán tàu cá.

“Gắn bó với biển, làm giàu từ biển”, đó chính là tiền đề để đội tàu của Núi Thành ngày càng hùng hậu. Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, ngư dân trên địa bàn huyện đã thu được hiệu quả kinh tế lớn từ những chuyến vươn khơi. Thành công này nhờ hệ thống khai thác hải sản trên tàu cá ngày càng được trang bị hiện đại. Trong đó, đáng kể nhất là hiệu quả của máy dò ngang. Cũng nhờ vậy, sản lượng khai thác hải sản của huyện Núi Thành trong năm 2013 đạt 35 nghìn tấn, chiếm hơn 60% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả tỉnh.

Một trong những ngư dân tiên phong ứng dụng lắp đặt máy dò ngang cho tàu cá là ông Phạm Xuân Lệ ở thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang). Ông Lệ là chủ tàu QNa 90415 có công suất 450CV và QNa 90578 có công suất 500CV, hành nghề lưới vây. “Tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để tăng sản lượng khai thác ở mỗi chuyến biển. Khi nhận thấy máy dò ngang mở ra triển vọng lớn về sản lượng đánh bắt, tôi mạnh dạn ứng dụng ngay và cho hiệu quả rất cao” - ông Lệ chia sẻ. Ông còn cho biết, với mỗi chuyến biển từ 21 - 25 ngày với hơn 20 thành viên, sản lượng hải sản thu được dao động từ 25 - 30 tấn cá ngừ, cá nục. Vào thời điểm này, mỗi chuyến biển như vậy cho nguồn thu hơn 500 triệu đồng, sau khi khấu trừ chi phí, lãi không dưới 300 triệu đồng. Với hiệu quả của thiết bị máy dò ngang, nhiều ngư dân theo nghề lưới vây trên địa bàn Núi Thành đã được “tiếp sức” bởi công nghệ này cho những chuyến khơi xa. Bên cạnh đó, một điều dễ nhận thấy trong hiệu quả kinh tế của ngư dân Núi Thành là nhờ dịch vụ hậu cần trên biển đã ngày càng được khẳng định. Theo ngư dân Huỳnh Văn Tạo, đội tàu mẹ - tàu con vừa khai thác hải sản vừa làm dịch vụ hậu cần trên biển đã giúp gia đình ông giảm đi hơn 1/3 chi phí sản xuất đồng thời tăng thời gian bám biển.

Bên cạnh hình thành dịch vụ hậu cần trên biển, ở huyện Núi Thành cũng đã có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, các cảng biển và khu neo đậu tàu cá. Các “sân sau” này đã không ngừng bổ trợ giúp nghề cá của địa phương ngày càng lớn mạnh. Được tạo đà từ các chính sách hỗ trợ ngư dân của tỉnh và trung ương, Núi Thành đang dốc toàn lực để kiện toàn nghề cá trên địa bàn.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT