Bội thu chuyến biển đầu năm

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/02/2014 10:24

Ngư dân Quảng Nam đã có chuyến biển đầu năm bội thu ở cả ngư trường gần bờ và xa bờ. Trong năm nay ngành chức năng và nhiều địa phương ven biển sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp ổn định giá cả và nâng cao chất lượng hải sản.

Bội thu

Ngay sau tết, nhân lúc thời tiết thuận lợi, các tàu công suất lớn trên địa bàn tỉnh háo hức ra khơi đón luồng cá lớn. Đến thời điểm này, sau thời gian bám biển từ 7 - 10 ngày, nhiều tàu đã cập cảng trong niềm vui được mùa. Ông Trần Công Lân (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, chủ tàu cá QNa 95869 hoạt động bằng nghề lưới vây), chia sẻ: “Chúng tôi ra khơi ngay từ mùng 4 tết. Biển cho lộc đầu năm dồi dào, cả chủ tàu và 10 người đi “bạn” đều rất phấn khởi, ai cũng muốn ra khơi lại ngay. Sau 7 ngày sản xuất trên biển, tàu chúng tôi thu được gần 5 tấn cá, nhiều nhất là cá cu, cá nục, cá thu và cá ngừ…, bán được 300 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng, mỗi anh em đi “bạn” chia người được 10 triệu đồng”. Nhiều tàu cá theo nghề lưới vây trên địa bàn xã Tam Hòa (Núi Thành) hay Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng bội thu trong chuyến biển đầu năm. Nhiều tàu thu được hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ngư dân Quảng Nam bội thu chuyến biển đầu năm ở cả ngư trường xa bờ và gần bờ. Ảnh: Q.VIỆT
Ngư dân Quảng Nam bội thu chuyến biển đầu năm ở cả ngư trường xa bờ và gần bờ. Ảnh: Q.VIỆT

Vào những ngày này, tàu thuyền tấp nập cập cảng cá Duy Hải (Duy Xuyên). Nhiều phương tiện theo các nghề lưới cản, lưới quét cũng bội thu cá, mực. Ngư dân Nguyễn Văn Qua (thôn An Lương, xã Duy Hải, chủ phương tiện QNa 3400 có công suất 50CV), cho biết: “Đầu năm trúng lớn, chỉ sau một đêm đánh bắt, chúng tôi đã thu được 1 tạ cá sòng, cá ngân, cá má... Gia đình thu nhập được 5 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi, chúng tôi sẽ tranh thủ vươn khơi”. Trong khi đó, tại các xã bãi ngang là Bình Hải (Thăng Bình), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) và Tam Tiến (Núi Thành), ngư dân trúng đậm cá hố sau những chuyến biển ngắn ngày. Nhiều ngư dân đã thu được cả tạ cá chỉ sau một ngày bám biển. Ông Hồ Thanh Tư - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Trong 10 ngày qua, thời tiết thuận lợi nên ngư dân tranh thủ ra khơi. Trúng đậm cá hố vào những ngày đầu năm này không chỉ giúp ngư dân cải thiện thu nhập mà còn động viên họ rất lớn trong những chuyến bám biển trong thời gian đến”.

Ổn định giá hải sản

Khai thác được 11.700 tấn hải sản
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam trong tháng 1 là 2.400 tấn. Như vậy, từ đầu vụ cá bắc đến nay (bắt đầu từ tháng 10), sản lượng khai thác hải sản của Quảng Nam đạt 11.700 tấn. Ông Giỏi cho rằng, đầu năm ngư dân có chuyến biển bội thu là do thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động của nhiều luồng cá nên ngư dân dễ trúng ngư trường cho sản lượng cao. Ông Nguyễn Văn Giỏi thông tin, trên cơ sở điều tra, thu mẫu, thống kê sản lượng, hiện tại Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã thông tin về ngư trường khai thác có thể cho sản lượng cao trong tháng 2 này đến các địa phương có nghề cá trên địa bàn, vì vậy ngư dân nên tham khảo để có thể thu được sản lượng đánh bắt cao.

Ông Trương Công Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết, trong thời gian qua, số lượng tàu cá có công suất lớn của địa phương hoạt động trên các vùng biển xa, sản lượng khai thác hải sản và các cơ sở chế biến hải sản đều tăng cao so với mọi năm. Đây là điều đáng mừng bởi trên địa bàn bước đầu tạo được mối liên kết giữa khai thác và chế biến hải sản. Tuy nhiên, giá trị hải sản khai thác được vẫn chưa cao mà nguyên nhân cơ bản là do hải sản vẫn bị tư thương ép giá. “Tìm cách nào để ổn định giá hải sản khai thác được của ngư dân? Làm sao giúp ngư dân tránh thua thiệt do bị ép giá bán sản phẩm là những trăn trở của địa phương trong nhiều năm qua” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, địa phương đang ban hành cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và chế biến hải sản quy mô lớn để vừa giải quyết lao động người địa phương và quan trọng hơn là đảm bảo đầu ra ổn định cho hải sản khai thác được của ngư dân trên địa bàn. Ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cũng khẳng định, địa phương đang chú trọng nâng cao giá trị hải sản khai thác được bằng cách thu mua và chế biến tại chỗ. “Chuỗi thu và chế biến trực tiếp, tại chỗ giữa ngư dân và doanh nghiệp chế biến tại địa bàn sẽ rút ngắn kênh thu mua, tiêu thụ và chế biến, làm tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế” - ông Vỹ nói.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, để ổn định thị trường hải sản, giúp ngư dân tăng thu nhập, Hội Nghề cá tỉnh đang phối hợp với UBND và Nghiệp đoàn nghề cá các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) vận động, tuyên truyền các đại lý, đầu nậu thu mua hải sản liên kết chặt chẽ với ngư dân để ổn định về giá, chống ép giá. “Chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua hải sản nhằm ngăn chặn hiện tượng làm giá, ép giá của các thương lái nước ngoài. Để góp phần nâng cao hiệu quả của các nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh, Hội Nghề cá tỉnh đang phối hợp với các nghiệp đoàn nghề cá, các địa phương ven biển vận động, tuyên truyền, khớp nối với các đối tượng thu mua hải sản để xây dựng các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến hải sản. Sự kết nối, phối hợp giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp chế biến nhằm mục đích ổn định giá cả thu mua, góp phần phát triển bền vững nghề đánh bắt hải sản tại địa phương” - ông Ngô Tấn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT