"Nhảy" theo con tôm - Bài 2: Địa phương lúng túng
Trong khi các ao nuôi tôm phát triển tràn lan, hủy diệt môi trường sinh thái, dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro trên thị thường thì chính quyền và các ngành chức năng lại tỏ ra lúng túng khi xử lý.
|
“Lợi nhuận khủng” từ con tôm đem lại, nhiều người chấp nhận đốn hạ cây trong vườn, bỏ vốn đào ao nuôi. Ảnh: H. PHÚC |
Bất lực, lúng túng
Thời gian qua, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng “sốt” đến mức ở vùng cát ven biển, nhiều khu vực đất vườn nhà dân đã lấp đầy ao nuôi, thậm chí còn lấn sang ranh giới quy hoạch phát triển du lịch. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở hai huyện Thăng Bình và Núi Thành là gần 222ha. Trong đó, Núi Thành có 449 hộ nuôi tôm với hơn 117ha; Thăng Bình gồm 218 hộ nuôi với gần 105ha. Trong số 222ha này chỉ có 70ha là nằm trong quy hoạch tạm thời (thuộc huyện Thăng Bình), số diện tích còn lại đều do người dân nuôi trái phép, vi phạm về môi trường, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép… Tình trạng nuôi tôm trái phép diễn ra công khai, chính quyền sở tại nắm rõ nhưng lực bất tòng tâm. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) - ông Nguyễn Xuân Luận lắc đầu: “Giờ thì ở xã có thêm phong trào “toàn dân nuôi tôm”. Khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên, chính quyền đã cứng rắn lập biên bản xử phạt hành chính 30 trường hợp hộ nuôi tôm sử dụng sai mục đích đất. Phạt xong họ tiếp tục sản xuất. Vốn của người dân bỏ xuống lớn, đất lại nằm trong vườn nhà họ nên rất khó cưỡng chế. Can thiệp bằng hình thức hành chính lại không đủ sức răn đe. Thú thật, chúng tôi bất lực”.
Ông Luận cũng lý giải thêm, sở dĩ ngành kiểm lâm “bó tay” trước tình trạng người dân chặt bỏ cây vì diện tích nuôi tôm theo hiện trạng không thuộc rừng phòng hộ. Còn Chủ tịch UBND xã Tam Tiến – ông Nguyễn Giúp cho biết, dù thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhưng hiện trạng nhà nhà phá vườn, người người phá rừng nuôi tôm vẫn cứ tuần tự diễn ra, cao điểm nhất là từ tháng 6 đến nay. Không cho làm ban ngày thì người dân đào ao ban đêm. Khống chế xe ủi, xe xúc cũng không được vì người dân cho rằng… đang chỉnh trang vườn tược. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, tại huyện Núi Thành chưa có trường hợp người nuôi tôm thẻ chân trắng nào bị buộc dừng nuôi, trả lại hiện trạng ban đầu. Hầu hết chính quyền các xã đều tỏ ra bất lực khi xử lý người nuôi tôm tự phát, trái phép.
Cảnh báo bất ổn thị trường tôm nuôi Thời điểm này, giá tôm thương phẩm vẫn cao ngất ngưởng, dao động 150 nghìn đồng/kg (loại 100 con). Vì giá tôm leo thang mỗi ngày nên người dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. Các thương lái trong nước, chủ yếu cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục mua tôm với giá cao mà không cần quan tâm đến các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kháng sinh trong tôm. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu để đưa sang Trung Quốc đã và đang gây rối thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Tình trạng này còn kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong khi tôm hiện là sản phẩm “cứu cánh” cho xuất khẩu thủy sản của cả nước. Các chuyên gia ngành thủy sản khuyến cáo, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng các thương lái tranh mua tôm nguyên liệu tại các địa phương để đưa sang Trung Quốc, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm tôm Việt Nam. |
Sở NN&PTNT cho rằng, khi quy hoạch đất cho Khu Kinh tế mở Chu Lai, một số diện tích rừng ven biển đã đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ. Đây là lý do khiến ngành kiểm lâm đứng ngoài cuộc. Tình trạng múc đất cát, chặt cây đào ao nuôi tại vùng đông các huyện Thăng Bình, Núi Thành ngổn ngang như công trường, nhưng chính quyền lại làm ngơ, buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – ông Trần Đình Tùng lại nói: “Địa phương chưa có biện pháp hiệu quả xử lý nạn phá rừng, phá vườn đào ao nuôi tôm tự phát, trong khi đó hiệu quả kinh tế mà nghề này mang lại rất lớn. Dù UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhưng ngành điện không cắt điện tại nhiều khu vực nuôi trái phép. Ngành môi trường thì không hề đưa ra một quy chuẩn nào trong việc bảo vệ môi trường khi nuôi tôm suốt thời gian dài. Thêm nữa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất vườn cũng chưa được quy định rõ ràng nên địa phương đã thiếu cơ sở để giải quyết rốt ráo”.
Sợ trách nhiệm
Tại các cuộc họp giao ban gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Nam chỉ cung cấp điện cho các hộ, tổ chức nuôi tôm tại vùng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch ngắn hạn nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát ven biển huyện Thăng Bình; chỉ đạo ngành tài nguyên - môi trường đình chỉ ngay đối với các chủ hộ nuôi tôm không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Thế nhưng, đến nay cả hai ngành này vẫn chưa giải quyết kịp thời sự bất ổn, lộn xộn của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 6, đơn vị đã kiểm tra toàn bộ các trường hợp nuôi tôm sử dụng điện. Theo đó, xử lý 34 hộ vi phạm công suất, thiếu thủ tục hồ sơ. Việc xử phạt chỉ dựa vào hành vi sử dụng điện sai mục đích. “Do đặc thù của doanh nghiệp là hợp đồng với khách hàng là hộ nuôi tôm, nên ngành điện không thể đơn phương cắt điện được nếu không có lý do thuyết phục. Nếu cắt điện giữa chừng rất dễ bị kiện ra tòa. Vả lại, đang ở thời điểm giữa vụ mùa, việc cắt điện sẽ rất phản cảm, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm” – ông Tuấn giải thích.
Chính quyền các xã Tam Tiến, Bình Hải (Thăng Bình) khẳng định, cái khó ở chỗ ai sẽ hỗ trợ địa phương cưỡng chế, trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu. Thẩm quyền cấp xã chỉ là lập biên bản xử phạt hành chính, rồi báo cáo lên cấp trên. Thực tế, ngoài nguyên nhân “ngại va chạm” với người dân sở tại, chính quyền xã còn không thể dùng biện pháp cứng rắn với các ao nuôi trái phép. Con tôm kéo theo nhiều hệ lụy như làm biến dạng môi trường tự nhiên, gây hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm, ô nhiễm môi trường, nhưng các ngành chức năng gần như thả nổi, chậm có biện pháp can thiệp cần thiết. Theo quy định, người nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây bể lắng xử lý nguồn nước, tổ chức thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại… Thế nhưng, nhiều vùng nuôi gần như “trắng” về hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo môi trường, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, do vướng Thông tư 01 hướng dẫn về lập đề án bảo vệ môi trường đã hết hiệu lực nên đơn vị đang lấn cấn, các ao nuôi hiện hữu diện nông hộ nhỏ lẻ vi phạm về môi trường, chủ yếu thuộc thẩm quyền xử lý của cấp huyện.
Trước đây, Sở TN-MT hướng dẫn các nhóm hộ dân nuôi tôm tập trung nước thải về bể thu gom và xử lý lắng lọc, khử trùng trước khi thải ra môi trường, nhưng thực tế không có hộ dân nào chịu trích quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản mới được Chính phủ ban hành ngày 12.9.2013 nên trước đó ngành chức năng không có “cây gậy” pháp lý để xử phạt những hộ nuôi tôm trái phép không tuân thủ môi trường.
Không để phát sinh thêm ao nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép UBND tỉnh vừa yêu cầu các địa phương, ngành chức năng đình chỉ ngay đối với những hộ đang san ủi công trình, chặt phá cây để xây dựng ao nuôi nhưng chưa thả tôm, tuyệt đối không để phát sinh thêm ao nuôi trái phép. Đối với các hộ đang thả nuôi tôm dang dở, đặc biệt ở phía đông đường Thanh niên ven biển (trừ diện tích quy hoạch tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) thì cho phép được tiếp tục nuôi đến hết vụ nhưng phải có biên bản cam kết không tiếp tục nuôi trái phép các vụ sau và tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng sử dụng đất như ban đầu. Trường hợp không chịu cam kết hoặc sau khi cam kết nhưng vẫn tiếp tục nuôi thì phải dùng các biện pháp hành chính cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính, cắt hợp đồng tiêu thụ điện… Những ao nuôi tôm xa khu dân cư, nằm phía tây đường Thanh niên ven biển và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu dân cư, không làm ảnh hưởng đến rừng trồng thì được phép nuôi tạm thời. Tuy nhiên, chủ hộ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định, phải có phương án về kỹ thuật và xử lý môi trường được Sở NN&PTNT thẩm định thì mới được phép tiếp tục nuôi tạm thời và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu khi Nhà nước thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế khác mà không nhận bất cứ sự đền bù nào. Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ cho phép nuôi tôm ở những nơi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và phê duyệt quy hoạch tạm thời. (ĐÔNG PHƯƠNG) |
------------------------------------
Bài cuối: Ngắn hạn hay dài hạn?
HỮU PHÚC - QUANG VIỆT