Thăng Bình chủ động ứng phó bão lụt

QUANG VIỆT - VĂN HẠNH 11/07/2013 08:50

Là địa phương có địa hình tương đối phức tạp, vào mùa lụt bão nhiều vùng bị ngập sâu, cô lập, trong khi đó phương tiện khai thác trên biển tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn… nên huyện Thăng Bình luôn chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.

Vì an toàn của ngư dân

Thời gian qua, nhiều phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn huyện Thăng Bình gặp các sự cố khi sản xuất trên biển. Theo ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, các sự cố xảy ra chủ yếu do một số ngư dân chủ quan, xem nhẹ việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Trong khi đó, hiện rất ít phương tiện mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, việc lắp đặt máy ICOM, hệ thống liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh còn hạn chế. Toàn huyện có 66 phương tiện khai thác xa bờ nhưng chỉ có 10 tàu trang bị máy liên lạc HF. Ông Hương cho rằng, để tránh những rủi ro có thể xảy ra cho ngư dân trong mùa bão lụt, công tác hướng dẫn, tuyên truyền ngư dân thực hiện những quy định khi khai thác trên biển phải được áp dụng rộng khắp và đồng bộ ngay từ bây giờ. Theo đó, ngư dân trên địa bàn huyện bắt buộc phải mua bảo hiểm cho người và phương tiện; trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu cá theo quy định; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển; thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện khai thác hải sản.

Huyện Thăng Bình luôn chú trọng công tác phòng chống tai nạn cho người và tàu cá khi sản xuất trên biển.                                    Ảnh: Q.VIỆT
Huyện Thăng Bình luôn chú trọng công tác phòng chống tai nạn cho người và tàu cá khi sản xuất trên biển. Ảnh: Q.VIỆT

Theo Thiếu tá Võ Văn Tri - Phó Trưởng đồn Biên phòng Bình Minh (Thăng Bình), để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, ngư dân cần tổ chức sản xuất theo hình thức tổ, đội đoàn kết. Khi xuất bến, ngư dân cần khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với lực lượng biên phòng. Cùng với đó, ngư dân chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu và chấp hành mọi sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi không may gặp bão. “Đồn Biên phòng Bình Minh luôn quán triệt công tác phòng chống lụt bão để giúp ngư dân đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển. Chúng tôi tự đề ra cách thức thực hiện: phòng là chính, tích cực, chủ động, linh hoạt ứng phó nhanh. Để thực hiện tốt công tác, chúng tôi luôn nắm diễn biến của bão lũ, kịp thời báo cáo và tham mưu cấp trên xử lý có hiệu quả các tình huống bất thường xảy ra” - Thiếu tá Võ Văn Tri nói.

Cộng đồng vào cuộc

Ông Nguyễn Văn Ngữ  - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, năm 2013 này công tác phòng chống lụt bão phải được triển khai đồng bộ, sâu rộng trên địa bàn huyện. Các địa phương đều có kế hoạch cụ thể; phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo; các phương án phòng, chống cũng phải thích hợp với từng địa phương riêng rẻ, nhất là phù hợp với sự khác biệt địa hình giữa các vùng đông và vùng tây. Các xã, thị trấn, các cơ quan ban ngành, hội đoàn thể đều phải thành lập đơn vị xung kích, lấy dân quân tự vệ và công an làm nòng cốt để chủ động ứng phó với thiên tai... Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn huyện kiểm tra, đảm bảo các phương tiện thông tin liên lạc, rà soát kỹ và thống kê sẵn các địa bàn trọng yếu để có thể di dời các hộ dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Các xã ven biển và đồn biên phòng tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác thủy, hải sản giúp ngư dân ổn định sản xuất, an toàn trong mùa lụt bão.

Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, công tác phòng chống lụt bão thành công hay không phụ thuộc sự vào cuộc của toàn xã hội cũng như của cả hệ thống chính trị. “Huyện Thăng Bình là địa phương có địa hình tương đối phức tạp, vào mùa lụt bão, nhiều vùng bị ngập sâu, cô lập. Vì vậy, để an toàn cần nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia toàn lực của cả cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò chỉ huy, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền địa phương có vị trí hết sức quan trọng. Để tránh bị cô lập, chia cắt, các ngành các cấp cần quán triệt phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, quản lý nhân sự tại chỗ được xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện” - ông Ngữ nói.

QUANG VIỆT - VĂN HẠNH

QUANG VIỆT - VĂN HẠNH