Tìm hướng vươn khơi...
Làm cách nào để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản là nội dung quan trọng của buổi tọa đàm “Phát triển khai thác hải sản giai đoạn 2013- 2015, định hướng đến năm 2020” vừa được UBND huyện Thăng Bình tổ chức.
Ngư dân xã Bình Minh chuẩn bị vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: N.Q.V |
Nhiều khó khăn
Ông Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu cá có công suất 420CV làm nghề câu mực khơi, cho biết nghề khai thác hải sản xa bờ luôn gặp rủi ro mà việc bán sản phẩm khai thác được lại luôn gặp khó. Hiện tại, mực xà chỉ bán cho 3 tư thương, 2 người ở Quảng Ngãi và 1 người ở Đà Nẵng. “Giả dụ, vì lý do nào đó, 3 người này không mua sản phẩm nữa thì chúng tôi cũng không biết bán cho ai. Trong khi giá mực khô ngày một giảm khiến chúng tôi thiếu người đi “bạn” thì tàu nước ngoài cứ ngang nhiên xâm lấn, xua đuổi khiến chúng tôi rất khó sản xuất. Cùng với đó, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã hoạt động bấy lâu nay mà chúng tôi lại không thể tiếp cận được” - ông Chi nói. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều ngư dân trong quá trình khai thác hải sản xa bờ.
Tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, hiện tại các cơ chế khuyến khích sản xuất trên biển xa của Quảng Nam đang dần phát huy tối đa hiệu quả. Ngư dân trên địa bàn huyện Thăng Bình nên tránh các thiếu sót đáng tiếc để hồ sơ đề nghị hỗ trợ được giải quyết nhanh chóng. Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam (đơn vị được UBND tỉnh ủy thác quản lý hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam) khẳng định, trong thời gian đến, đơn vị sẽ quan tâm xét duyệt các hồ sơ đề xuất hỗ trợ vốn vay không lãi suất của ngư dân huyện Thăng Bình. |
Từ năm 2009 đến nay, số tàu có công suất từ 90CV trở lên trên địa bàn huyện Thăng Bình đã tăng lên đáng kể (từ 13 tàu tăng lên 66 tàu). Cùng với đó, sản lượng khai thác hải sản cũng tăng theo (từ 6.500 tấn trong năm 2009 tăng lên 10.200 tấn trong năm 2012). Tuy nhiên, hoạt động khai thác hải sản xa bờ của huyện chỉ mới tập trung tại 2 xã là Bình Minh và Bình Dương. Sản lượng khai thác hải sản của 2 xã còn lại là Bình Nam và Bình Hải chưa đạt mức 1 tấn/ hộ/năm là quá ít. Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng do đa số tàu cá trên địa bàn huyện có công suất nhỏ (số tàu có công suất dưới 90CV là 552 chiếc), chỉ có thể đánh bắt tại vùng biển gần bờ nên hiệu quả khai thác rất thấp, thu nhập sau mỗi chuyến biển của ngư dân không cao. Ngoài ra, do các loại hải sản khai thác trên biển chưa được bảo quản tốt nên sản phẩm của ngư dân luôn bị tư thương ép giá. Ông Trương Công Bảy - Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói: “Không dễ gì ngư dân có thể khai thác được mùa; nhưng khi được mùa thì lại mất giá. Tình cảnh này đã gây rất nhiều áp lực lên quá trình bám biển của ngư dân”.
Nâng cao khả năng bám biển
Về định hướng phát triển nghề cá của huyện Thăng Bình, ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, đến năm 2015, huyện phấn đấu ổn định sản lượng khai thác đạt mức hơn 10 nghìn tấn, đưa đội tàu có công suất từ 90CV trở lên tăng 20% so thời điểm hiện tại; đến năm 2020, đội tàu khai thác xa bờ sẽ đạt mức 100 tàu. Để nâng cao hiệu quả mỗi chuyến biển, huyện đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển đội tàu có công suất từ 400CV trở lên để phát triển các nghề lưới vây, chụp mực, câu mực.
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình để nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian đến, huyện sẽ ưu tiên chuyển đổi hợp lý ngành, nghề khai thác hải sản của ngư dân từ lao động nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Theo đó, từ nay đến năm 2015, địa phương sẽ phấn đấu hình thành các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để đến năm 2020 có thể kiện toàn mô hình tập đoàn khai thác hải sản lớn. “Đào tạo nghề hợp lý, tham quan, học hỏi các mô hình khai thác hiệu quả cùng với tận dụng mọi điều kiện có thể để huy động vốn đóng tàu có công suất cao, đặc biệt là từ 250CV trở lên là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến” - ông Ngữ nói.
Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, để hoàn thành các mục tiêu, trong thời gian tới địa phương ưu tiên hỗ trợ ngư dân tiếp thu công nghệ tiên tiến về bảo quản sản phẩm khai thác được; tạo sự liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tránh trường hợp được mùa mất giá. Ông Vỹ cho biết: “Hiện tại, 29 tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển của huyện đang hoạt động tốt, kịp thời tương hỗ nhau cả trong khai thác lẫn tiêu thụ sản phẩm. Sự thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trên địa bàn huyện cũng sắp sửa hoàn thành, dự kiến là tháng 7 tới đây. Xa hơn, huyện đang xúc tiến hình thành mô hình tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Công tác dự báo ngư trường, xây dựng cơ sở đóng tàu cũng đang hình thành trên địa bàn huyện”.
Nguyễn Quang Việt