Giữ viên ngọc của biển
Cù Lao Chàm, viên ngọc quý của thiên nhiên dành tặng cho Hội An, xứ Quảng, đã trở thành phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây, cộng đồng ngư dân đã biết làm chủ đảo theo cách thức hài hòa việc bảo vệ tài nguyên và phát triển du lịch, dịch vụ. Như ở Bãi Hương...
Buổi sáng ở Bãi Hương yên bình đến lạ. Vị se nồng của biển lẫn trong màn sương, thấp thoáng bóng núi bềnh bồng mây trắng… Ngoài khơi xa, những cánh buồm phấp phới điểm tô cho vùng biển Cù Lao Chàm êm đềm thêm sinh động, nên thơ.
Cù Lao Chàm, viên ngọc của biển. |
Cách đây vài năm, khi Cù Lao Chàm mới được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân Bãi Hương vẫn duy trì sinh kế duy nhất là khai thác hải sản ven bờ. Lúc ấy, hằng ngày ghe thuyền tấp nập cập cảng. Từng thúng cá lớn nhỏ ùn ùn lên bến. Cảnh mua bán diễn ra ồn ã… Giờ đây, những nét xao động ấy của bức tranh miền biển đã thưa vắng rồi. Vậy có phải ngư dân Bãi Hương đã thay đổi tập quán nghề nghiệp? Và, họ đang sống bằng gì? “Thỉnh thoảng chúng tôi cũng ra khơi đánh bắt cá, nhưng là cho đỡ nhớ. Nhịp sống ở đây đã khác trước nhiều, không phải người dân không mặn mà với biển mà là họ gắn bó với biển bằng cách khác, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Thay vì thu nhập bằng cách bán các sản vật ở biển, rừng khai thác được, chúng tôi chuyển sang phục vụ du khách tham quan. Các giá trị tự nhiên và xã hội của đảo cũng được chúng tôi vận dụng vào các tour phục vụ du khách” - ông Trần Hoàn, Trưởng thôn Bãi Hương chia sẻ.
Phát triển du lịch cộng đồng
Chuyển sang làm dịch vụ du lịch, người dân Cù Lao Chàm và Bãi Hương đã bắt đầu phát triển homestay (một loại hình du lịch đưa du khách hòa với cuộc sống cộng đồng bản địa). UBND xã Tân Hiệp và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trợ giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn cải thiện sinh kế cho ngư dân từ phía tỉnh, quốc gia và quốc tế. Thêm nữa, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và chính quyền xã Tân Hiệp đã phối hợp với trường Cao đẳng Nghề du lịch TP. Huế tổ chức tập huấn, trang bị cho các hộ ngư dân nơi đây những kỹ năng cần thiết về nghiệp vụ buồng phòng, giao tiếp, kỹ thuật nấu ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhờ đó, loại hình homestay được bổ trợ để đến nay thôn Bãi Hương đã có 21 hộ tham gia dịch vụ này.
Theo nhận xét của TS. Chu Mạnh Trinh, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cộng đồng dân cư thôn Bãi Hương không chỉ đủ khả năng và các điều kiện cần thiết để tự quản lý tốt các hoạt động bảo tồn biển mà còn có thể biến nguồn lực đó thành sinh kế bền vững cho họ. |
Mật độ du khách trải nghiệm Bãi Hương đều đặn tăng lên trong những năm qua đã cho thấy nơi đây là điểm tham quan quyến rũ. Phong cảnh hữu tình cùng với lòng hiếu khách của người dân đảo đã thu hút tình cảm nồng nhiệt của du khách khắp nơi. Một du khách Pháp, đến từ Paris hoa lệ, chị Génie Céleste, trầm trồ: “Bãi Hương như một viên ngọc giữa biển lấp lánh vẻ đẹp hoang sơ. Thật ngạc nhiên khi “cơn gió du lịch” tràn qua mà không gian văn hóa biển nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn. Mình rất ấn tượng điều đó!”. Tôi cũng nhập vào tour tham quan ngẫu hứng do một người hướng dẫn viên du lịch ở Bãi Hương thiết kế. Sau khi lượn quanh làng chài, leo núi, ngắm san hô, câu cá, chúng tôi vượt qua phía đông đảo Hòn Lao, để tham quan hang yến. Từ những vách đá chông chênh, ngắm chim yến chao liệng trên sóng nước, lòng người lãng du bất chợt dào lên trùng điệp cảm xúc những thanh âm như một dàn hợp xướng của biển trời và núi non.
Làm chủ biển đảo
Khi đời sống của người dân Bãi Hương được nâng cao nhờ phát triển du lịch và dịch vụ thì vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển cũng được quan tâm. Tôi đã ngạc nhiên thật sự khi cùng tổ tuần tra cộng đồng Bãi Hương giám sát và bảo tồn tài nguyên biển. “Tổ tuần tra chúng tôi có trách nhiệm giám sát, gìn giữ trong địa bàn vùng nước được giao, phát hiện và xử lý các vi phạm về bảo vệ đa dạng tài nguyên sinh vật biển. Với các vi phạm vượt quá quyền hạn giải quyết, chúng tôi báo cáo lên thôn và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để giải quyết” - anh Trần Đầy, Tổ trưởng tổ tuần tra biển thôn Bãi Hương nói với tôi khi chiếc thuyền của tổ tuần tra lướt nhẹ từ khu vực Hòn Tai, Đá Đen qua Hục Thùng, Bãi Tra, Bãi Nần…
Nói là tuần tra nghe “hình sự” vậy thôi chứ cũng nhẹ nhàng như con sóng vẫn ngày đêm lăn trải lên các bờ cát mịn. Mỗi chuyến tuần tra, tổ ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ về hiện trạng các vùng biển đi qua. Theo anh Trần Đầy, đó là cơ sở để đối chứng về độ an toàn hay hiểm nguy của “ngôi nhà” nơi các sinh vật biển đang chung sống. Ngoài việc đề phòng các nguy cơ xảy đến cho các loài sinh vật biển, cộng đồng cư dân Bãi Hương cũng đã tự bàn bạc và tham vấn Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để thành lập cho thôn mình tổ tự quản về khai thác hải sản, tổ chức tour du lịch và các dịch vụ phục vụ du khách. Tổ tự quản được người dân Bãi Hương tự bầu ra để điều phối nhịp nhàng các hoạt động trên đảo với nguyên tắc cộng đồng quyền lợi và trách nhiệm.
Cuộc sống kỳ thú dưới đáy biển. |
Tuy đã ý thức bảo tồn tài nguyên biển đã nâng lên rõ rệt, nhưng cũng còn chút ưu tư khi những tác động tiêu cực chưa hẳn đã dứt hệ lụy. Anh Trần Đầy thổ lộ: “Việc xây dựng cảng du lịch trước đây đã khiến cho môi trường biển tại khu vực này chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, mọi chuyện còn trong tầm kiểm soát, chất lượng nước vẫn ổn định và sẽ được quan trắc đều đặn hơn. Khi cộng đồng đã chung tay bảo tồn biển và luôn nhận được sự trợ giúp của Ban Quản lý cao hơn cũng như sự đồng hành của các chuyên gia thì chúng tôi tự tin về cách tiếp cận trong việc làm chủ biển, đảo của mình”.
Với những trải nghiệm về cách gìn giữ tài nguyên biển đảo của cộng đồng Bãi Hương, Cù Lao Chàm, miên man trong tôi một ý nghĩ rằng chính tấm lòng ngư dân mới là hạt ngọc lung linh trên biển.
Nguyễn Quang Việt