Chu Lai hứa hẹn "bùng nổ" đầu tư

TRỊNH DŨNG 30/12/2018 02:08

Khu Kinh tế mở Chu Lai hứa hẹn tiếp tục sẽ thu hút nhiều dự án lớn sau quyết định điều chỉnh quy hoạch được công bố. Hiện đã có những “con sếu đầu đàn” xúc tiến mở rộng quy mô đầu tư, tạo chất xúc tác cho nhiều dự án đặt chân ở Chu Lai.  

Tin liên quan

  • Kỳ vọng chặng đường mới của Chu Lai
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Quy hoạch và quản lý thật tốt quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai" (clip)
  • Công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai và kỷ niệm 15 năm Thaco - Chu Lai
  • Vóc dáng Chu Lai trong hành trình phát triển
  • Khu kinh tế mở Chu Lai: Những dự án động lực
  • Khu kinh tế mở Chu Lai: Một giấc mơ khác
Thaco sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư cảng Tam Hiệp.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thaco sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư cảng Tam Hiệp.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Mở rộng quy mô

Ít nhất 550 ô tô bus nhãn hiệu Việt Nam sản xuất tại Chu Lai đã xuất khẩu sang khu vực AFTA trong năm 2018. Thaco – từ một nhà máy xe tải, bus (25.000 xe/năm) đã trở thành “con sếu đầu đàn”, được đánh giá là cứ điểm sản xuất ô tô lớn, hiện đại khu vực ASEAN với đầy đủ chủng loại ô tô (tải, bus và du lịch), đầy đủ các phân khúc trung, cao cấp theo thương hiệu. Trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không là lựa chọn số 1 trong bản điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Không chỉ sẽ trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành (cơ khí và ô tô chủ lực), nông nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và khu công nghiệp, logistics, thương mại, dịch vụ… là những lựa chọn trong chiến lược phát triển sau 2018 của Thaco. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cam kết sẽ xây dựng chiến lược phát triển không giới hạn tại khu vực này. “Sau 5 năm nữa, Thaco – Chu Lai sẽ là khu công nghiệp (KCN) - đô thị, bao gồm KCN cơ khí và ô tô, KCN chuyên nông lâm nghiệp, khu cảng, hậu cần cảng và khu đô thị - nhà ở cho chuyên gia và công nhân” - ông Dương nói.

Chu Lai không chỉ có Thaco. Những nhà đầu tư lớn, hiệu quả trong số 111 dự án hoạt động tại Khu kinh tế mở như kính nổi, tổ hợp may mặc và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may của Công ty Panko cùng các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đức, Sri Lanca... công bố sẵn sàng tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Ông Choi Young Joo - Chủ tịch Tập đoàn Panko, Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam cho biết tập đoàn đã quyết định mở rộng đầu tư, không chỉ dệt may mà cả nông nghiệp công nghệ cao. Chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất chỉ may Amann Việt Nam với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD tại KCN Tam Thăng cho biết đã lắp đặt máy móc, thiết bị, ngày 21.1.2019 sẽ đấu nối hạ tầng. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 6.2019 với 250 công nhân. Ông Bodo Th. Boelzle – Giám đốc điều hành Tập đoàn Amann (Đức) cho biết sẽ đào tạo nhằm chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho đội ngũ Việt Nam. Amann sẽ đạt năng suất sản xuất 1.000 tấn chỉ may và chỉ thêu trong khoảng 3 năm. Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 dự án sản xuất sợi vải mành, sợi ny lon và sợi thép với tổng giá trị đầu tư 210 triệu USD trên 13ha trong tổng giá trị đầu tư dự án hơn 1,3 tỷ USD trên diện tích 100ha ngay trong tháng 12.2018...

“Chất xúc tác” đầu tư

Quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai như một chất xúc tác thu hút đầu tư. Ngay trong ngày công bố, 5 giấy phép thỏa thuận, nghiên cứu, đầu tư đã được cấp cho 3 doanh nghiệp (2 trong nước và 1 FDI), bao gồm: dự án mở rộng KCN cơ khí và ô tô Chu Lai, KCN chuyên nông lâm nghiệp, cảng nước sâu, sản xuất vật liệu xây dựng nhà lắp ghép thông minh và tổ hợp nhà máy pha chế khí hóa lỏng. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết ngay trong năm 2019, sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế khoảng 200.000 tấn/năm; tổng kho bảo quản xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế hơn 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu (khoảng 3.425 tỷ đồng). Hệ thống này sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín cho nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Nam Lào, Tây Nguyên, ngoài ra sẽ ổn định đầu ra cho nông sản của nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Thaco sẽ đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn.

Không chỉ dự án xử lý chất thải, nước thải môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành với kinh phí 25 triệu USD (dự án đầu tiên được Chính phủ ưu tiên thí điểm tại Khu kinh tế mở Chu Lai, sẽ được xây dựng vào đầu năm 2019, mà những dự án bị vướng cơ chế, chính sách đất đai giẫm chân tại chỗ hoặc bị buộc phải dừng lại một năm qua đã được quy hoạch tháo gỡ, sẽ nhanh chóng triển khai. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, sẽ đưa giai đoạn 1 dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An vào hoạt động. Ngoài ra, chuẩn bị đủ các điều kiện khởi công các dự án: Khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí của tập đoàn BRG, Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC, Bình Dương, Opal Ocean View, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp khu du lịch cao cấp, thể thao, giải trí, làng nghề truyền thống của Tổng Công ty MB Land, dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng TUI BIUE…

Theo dự đoán của các nhà hoạch định kinh tế, quy hoạch mới này sẽ dẫn dắt Chu Lai bùng nổ đầu tư. Ông Hwang Hong Koo - Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) khẳng định sẽ có một làn sóng đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chính quyền Quảng Nam, địa phương phải tổ chức trong định khung ấy bằng những ý tưởng, kết hợp cơ chế để mời gọi. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết Quảng Nam kỳ vọng vào quy hoạch này. Không có điều chỉnh quy hoạch thì không thể kêu gọi đầu tư, nhưng có bùng nổ hay không lại phụ thuộc vào năng lực xúc tiến đầu tư của địa phương.

Có thể nhìn thấy Khu kinh tế mở Chu Lai kỳ vọng vào các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế thông qua các ký kết thỏa thuận và cấp phép đầu tư như Exxon Mobil (Mỹ), Hyosung (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty điện Ratchaburi (Thái Lan), trường hàng không New Zealand, Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Amann (Đức), Tập đoàn UMS (Singapore), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn PHI Group… Đặc biệt là thỏa thuận chủ trương đầu tư giữa UBND tỉnh và Công ty Hyosung Advanced Materials về đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã được ký kết. Mục tiêu thu hút đầu tư mới ít nhất 500 triệu USD vào Chu Lai năm 2019 không phải là quá khó!

Thu hút đầu tư dự án “sạch” để phát triển bền vững

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, trong 15 năm qua, Chu Lai không ngừng nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng công nghiệp được chú trọng hàng đầu. Hiện Khu kinh tế mở có 5 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 3.500ha, trong đó đã hình thành 4 khu công nghiệp (diện tích gần 1.700ha), với hạ tầng đồng bộ và tỷ lệ lấp đầy khoảng 80% (Tam Hiệp 75%, Bắc Chu Lai 85%, khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải 80%, Tam Thăng 85%), Khu công nghiệp Tam Anh đang đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Khu kinh tế mở Chu Lai được quy hoạch có 3 khu đô thị, bao gồm Núi Thành, Tam Hòa, Tam Phú. Kể từ khi hình thành, Khu kinh tế mở Chu Lai đã quy hoạch, đầu tư 24 khu dân cư, tái định cư với tổng diện tích khoảng 917,9ha.

Xác định phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng và lâu dài, ngoài việc tăng cường công tác quản lý môi trường, nhất là tại các khu công nghiệp, 4 khu công nghiệp hiện nay tại Chu Lai đều đã có nhà máy xử lý nước thải đảm bảo xử lý theo tiêu chuẩn quy định. Hệ thống thoát nước thải và xử lý chất thải được đầu tư cơ bản, đã đầu tư 2 nhà máy cấp nước 60.000m3/ngày đêm, cùng một số nhà máy khác cơ bản đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống cấp điện, bưu chính viễn thông đã được đầu tư, xây dựng, đến nay đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc trong nước và quốc tế của người dân cũng như của các doanh nghiệp. Khu kinh tế mở Chu Lai đang đặc biệt ưu tiên những dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
H.QUANG

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG