Phát triển tiểu thủ công nghiệp: Những mô hình hiệu quả

VĂN PHIN - HOÀNG YÊN 13/11/2013 13:36

Với số vốn ban đầu ít ỏi nhưng nhiều người đã biết vượt qua khó khăn, nắm bắt xu hướng phát triển và vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp với quy mô kinh tế hộ.

Xưởng đũa của anh Bảy. Ảnh: H.Y
Xưởng đũa của anh Bảy. Ảnh: H.Y

Góp sức với cộng đồng

Từ 50 triệu đồng tiền vốn ban đầu, năm 2007, vợ chồng anh Trương Vũ Hùng (thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, Núi Thành) mạnh dạn xây dựng cơ sở sản xuất lốp ô tô mang thương hiệu Thành Tâm. Qua 5 năm, Trương Vũ Hùng đã tạo ra một cơ ngơi sản xuất lốp, đắp lốp ô tô bề thế với vốn kinh doanh hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm lốp cao su mang thương hiệu Thành Tâm do cơ sở anh sản xuất có uy tín, chất lượng, cung cấp cho thị trường trong nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng... Nếu như năm 2008, cao su Thành Tâm sản xuất 800 sản phẩm, doanh thu 800 triệu đồng thì đến năm 2012 sản xuất được 1.500 sản phẩm, doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, cơ sở cao su Thành Tâm luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, đời sống của người lao động và đóng góp các khoản thuế cho Nhà nước. Ngoài việc trả lương đủ và đúng kỳ cho công nhân, trong các dịp lễ tết, anh Hùng đều có quà tặng động viên anh em. Hàng năm, cơ sở trích hơn 24 triệu đồng làm quà tặng cho anh em công nhân và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, luôn hoàn thành chỉ tiêu thuế trên giao. Mặc dù bận rộn với việc sản xuất kinh doanh, chăm lo gia đình nhưng Trương Vũ Hùng luôn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương và công tác từ thiện nhân đạo. Ngoài việc đóng góp tích cực vào Quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ nạn nhân chất độc da cam..., 5 năm qua, gia đình anh Hùng đã ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương. Đối với bà con xóm giềng, gia đình anh luôn giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn, gắn chặt tình cảm láng giềng. Anh Hùng khiêm tốn cho biết: “Những đóng góp này tuy nhỏ bé nhưng đây là cả một tấm lòng của gia đình tôi cùng góp sức vào lợi ích chung của cộng đồng”.

Nỗ lực thoát nghèo

Đất đai ít, sản xuất nông nghiệp không đủ cho nhu cầu cuộc sống nên trước đây gia đình anh Nguyễn Bảy (thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, Đại Lộc) là một trong những hộ nghèo của xã. Thế nhưng bằng quyết tâm thoát cái nghèo đeo bám, anh đầu tư phát triển kinh tế gia đình bằng cách mở xưởng đũa có tên Trần Hòa. Giờ đây, xưởng của anh không những giúp gia đình khá lên mà còn tạo công việc cho người dân tại địa phương. Anh tâm sự, cái duyên với nghề đũa cũng thật tình cờ, trước đây anh làm nhiều nghề như thợ hồ, công nhân làm gạch…; công việc nặng nhọc nhưng đồng lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, ý nghĩ làm thế nào để thoát cảnh nghèo cứ thôi thúc. Một lần có một người bạn của anh mở xưởng đũa tre ở xã Đại Phong và gọi anh vào làm thuê. Sau một thời gian làm ở xưởng đũa, tích lũy được kinh nghiệm và một số vốn cộng với số vốn vay, anh Bảy trở về quê mạnh dạn đầu tư mở xưởng của riêng mình. Ban đầu anh nghĩ đũa tre thì người ta làm nhiều rồi, anh quyết định đầu tư trang thiết bị làm đũa gỗ. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, hiện xưởng có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Chị Trần Thị Thơm (một công nhân xưởng đũa) cho biết: “Lúc trước gia đình chỉ làm nông không đủ trang trải cuộc sống nói chi đến chuyện con cái học hành, nhưng nhờ khi bắt đầu làm xưởng đũa có thêm nguồn thu nhập ổn định, mỗi ngày cũng kiếm được 100 nghìn đồng đủ lo cho cuộc sống”.

Mỗi ngày xưởng đũa Trần Hòa làm được khoảng hơn 10.000 đôi đũa. Chúng tôi đến đang lúc xưởng đũa xuất hàng đi các thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ. Anh Bảy cho biết, đũa thường chia ra làm 3 loại, loại 1 chất lượng gỗ tốt hơn có giá từ 800 – 1.000 đồng/đôi, loại 2, loại 3 có giá 500 - 600 đồng/đôi. Tùy nhu cầu thị trường mà anh xuất các loại hàng khác nhau… “Thị trường giờ khó tính hơn rồi, nếu muốn sống được bằng nghề thì hàng hóa của mình làm ra phải đạt chất lượng và phải biết giữ uy tín với bạn hàng nên chúng tôi đặt chất lượng nên hàng đầu. Mình thà thu nhập ít mà luôn có việc làm ổn định còn hơn mất uy tín với khách hàng” - anh Bảy nói.

VĂN PHIN - HOÀNG YÊN

VĂN PHIN - HOÀNG YÊN